'Omicron tàng hình' đang lây lan mạnh ở Hà Nội và TP. HCM có nguy hiểm?
PLBĐ - Biến thể Omicron với dòng phụ BA.2 (còn được gọi là "Omicron tàng hình") đang lây lan mạnh và chiếm ưu thế ở Hà Nội và TP. HCM. Hiện, vaccine COVID-19 vẫn có hiệu quả bảo vệ giúp F0 không trở nặng trước biến thể phụ này.
Biến thể "Omicron tàng hình" đang chiếm ưu thế ở Hà Nội và TP. HCM
Theo báo cáo của Bộ Y tế, biến chủng Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây ở các tỉnh thành, nhất là ở Hà Nội, TP. HCM. Biến chủng này thay thế dần biến chủng Delta.
Tại TP. Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận/huyện/thị xã; trong đó, biến thể phụ BA.2 chiếm 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron.
Trước thực tế trên, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị liên quan đề xuất các kịch bản, phương án, biện pháp khi số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng trong thời gian tới để kịp thời tham mưu UBND TP, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP. Riêng với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp với Phòng y tế các quận, huyện, thị xã tham mưu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng liên quan tiếp tục rà soát các trường hợp chưa tiêm đủ liều vaccine, đồng thời tuyên truyền, vận động những người từ chối tiêm vacicne cần thực hiện tiêm chủng.
Còn tại TP. HCM, tính đến sáng 9/3, trong 119 trường hợp mà ngành Y tế tầm soát ngẫu nhiên, có 103 trường hợp dương tính với Omicron (86%). Qua giải mã 67 mẫu gene thì phát hiện 43 ca BA.2 và 24 ca BA.1, tức chủng BA.2 chiếm 64%.
"Đợt dịch hiện nay chúng ta vừa có BA.1 và BA.2 nên giải thích được vì sao lây lan rộng như vậy. Còn một số nước chỉ mới có BA.1, chuẩn bị đón BA.2. Chúng ta không nên quá lo lắng sẽ có chủng mới vì nó đã xảy ra với chúng ta rồi. Nếu có thì một chủng gì đó khác và chúng ta không biết trước được. Còn thế giới đang chuẩn bị đón làn sóng BA.2", VOV dẫn lời ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP. HCM.
BA.2 - "Omicron tàng hình" nguy hiểm như thế nào?
Tính đến thời điểm hiện tại, biến chủng Omicron đã sinh ra 4 biến thể dòng phụ gồm: BA.1, BA.2, BA.1.1.529 và BA.3. Tất cả chúng đều có sự tương đồng về mặt di truyền, nhưng mỗi loại đều có các đột biến có thể thay đổi cách chúng hoạt động. Hiện, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đang theo dõi một số dòng của biến thể Omicron bao gồm BA.1, BA.1.1, BA.2 và BA.3, đồng thời xem xét dữ liệu thực tế để xác định liệu các dòng phụ gây bệnh nặng hơn so với biến thể gốc hay không.
Theo Dân trí, phiên bản BA.1 của biến thể Omicron dễ theo dõi hơn các biến thể trước đó vì nó bị thiếu một trong 3 gen mục tiêu được sử dụng trong xét nghiệm PCR thông thường. Tuy nhiên, BA.2, hay còn được gọi là "chủng tàng hình", không giống BA.1. Vì vậy, nó khó bị phát hiện hơn và các nhà khoa học phải theo dõi như cách họ theo dõi các chủng trước đó, dựa vào số lượng gen virus được gửi lên các cơ sở dữ liệu về bệnh truyền nhiễm. Ngoài việc khó phát hiện hơn BA.1, BA.2 được cho có thể dễ lây lan hơn chủng "họ hàng". Hiện tại, toàn cầu đã có hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ phát hiện ca nhiễm BA.2.
Trong bài phát biểu của mình, bà Maria Van Kerkhove - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của WHO cũng đã đề cập đến một nghiên cứu đáng chú ý từ Nhật Bản. Nghiên cứu chỉ ra rằng BA.2 có nguy cơ gây bệnh nặng cao hơn so với BA.1. Ngoài ra, BA.2 cũng được cho là có khả năng chống lại các phương pháp điều trị như kháng thể đơn dòng. Tuy nhiên, đây là nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ chuột.
Trong khi đó, dữ liệu thực tế trên người cho thấy BA.1 và BA.2 không khác biệt về nguy cơ gây bệnh nặng trên người, bà Van Kerkhove nói.
Về khả năng kháng lại miễn dịch từ vaccine, chủng phụ BA.2 chứa các đột biến có thể thoát khỏi khả năng miễn dịch do vaccine tạo ra. Mũi tiêm nhắc lại có tác dụng ngăn ngừa 74% nguy cơ nhiễm bệnh có triệu chứng. Một nghiên cứu mới từ Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh cho thấy hiệu quả của vaccine chống lại mắc COVID-19 có triệu chứng từ BA.2 là 70%. Con số này với BA.1 là 63%.
Về nguy cơ tái mắc COVID-19, thông tin sơ bộ từ Đan Mạch cho thấy việc tái nhiễm BA.2 ở những người đã nhiễm Omicron không phổ biến. Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và chủ yếu là những người chưa được tiêm chủng. Vì vậy, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn có hiệu quả để tránh rủi ro bệnh nặng và tử vong.
Phạm Hương