Nguy cơ về một thế hệ nhiều không: Không nhà, không kết hôn, không năng lực cạnh tranh… từ các vụ đấu giá đất “kiểu Thủ Thiêm” đẩy giá BĐS tăng cao bất thường
Hai cuộc đấu giá đất tại Hà Nội gần đây đã chứng kiến giá đất tăng vọt, khiến các chuyên gia lo ngại những hệ lụy xấu gây ra cho thị trường bất động sản và an sinh xã hội khi giá nhà bị đẩy lên vượt sức chịu đựng từ thu nhập của người dân.
Sóng ảo từ những phiên đấu giá đất cao bất thường
Phiên đấu giá đất tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội, kết thúc rạng sáng nay sau 18 giờ với 19 lô đất được bán thành công. Mức giá trúng cao nhất lên tới 133,3 triệu đồng/m2, gấp 30 lần so với giá khởi điểm, trong khi lô thấp nhất cũng tới 91,3 triệu đồng/m2, cao gấp 12,5 lần giá khởi điểm.
Mức trúng đấu giá này cao gấp 2 - 3 lần khoảng giá phổ biến trên thị trường, bởi theo PropertyGuru Việt Nam, giá rao bán phổ biến đất nền ở xã này trong quý vừa qua khoảng 43 triệu đồng/m2 sau khi đã tăng hơn 48% trong vòng một năm qua.
Hiện tượng giá đất tăng đột biến này không chỉ xuất hiện tại Hoài Đức, mà còn ở huyện Thanh Oai, nơi giá đất trúng đấu giá một tuần trước đó dao động từ 63 đến 100 triệu đồng/m2, cao hơn gấp 2,3 đến 3,7 lần so với giá phổ biến trên thị trường.
Giá cao bất thường từ 2 vụ đấu giá đất vùng ven gần đây đã dấy lên lo ngại mục đích ở đây là nhóm lợi ích, các đầu nậu đất Thanh Oai hay còn gọi là “cò” đất tham gia thổi giá để “lùa gà”. Có thể những người trúng đấu giá chỉ mua giá cao một vài lô để nâng giá đất xung quanh, và để bán chính những lô giá thấp sau đó bỏ cọc. Đây chính là nguyên nhân khiến người ví von những vụ đấu giá đất này giống như vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm trước đây khi giá được đẩy tới 2,4 tỷ đồng/m2.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Property Guru khu vực miền Nam lo ngại những hệ huệ xấu với thị trường bất động sản và sự phát triển kinh tế của các địa phương do giá đất bị đẩy lên cao đột biến trong các cuộc đấu giá. Bởi mức giá trúng đấu giá cao sẽ đẩy giá đất chung tại các khu vực lân cận tăng theo, tạo ra một mặt bằng giá mới và khó kiểm soát. Người dân sở hữu đất tại các khu vực này có xu hướng tăng giá bán để theo kịp thị trường, khiến giá bất động sản địa phương tiếp tục leo thang.
Đồng quan điểm, GS Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng giá trúng đấu giá đất tại các huyện ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm thành phố từ 30-40km được đẩy lên hơn 100 triệu đồng/m² có yếu tố bất thường.
Vị chuyên gia này cũng chỉ ra nghịch lý trong khi nhiều nhà mặt phố trung tâm của Hà Nội đang đóng cửa để trống khi thương mại điện tử ngày càng phổ biến, trong khi giá đất nền vùng ven lại lên vù vù cho thấy tác động của giới kinh doanh. Hệ quả dẫn tới tình trạng đầu cơ đất, nhiều người mua đất nền xong để đó. Đất không được đầu tư, phát triển mà cứ tích tiền vào đó nên đã làm cho đất sốt lên nhiều lần.
"Đất nền vùng ven đang được kích giá lên mức cao đến nỗi đời sống người dân không chịu nổi được", ông Võ khẳng định.
Lo ngại sẽ có 1 thế hệ không mua được nhà
Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản đã chứng kiến đà tăng giá không ngừng của bất động sản Hà Nội. Giá tăng từng tháng, thậm chí từng ngày. Đỉnh điểm có những khu chung cư đã đi vào sử dụng giá đã tăng 50-100% chỉ trong vòng 2 năm vừa qua. Và từ khi đấu giá đất Hoài Đức, Thanh Oai giá tăng vọt khiến thị trường càng có xu hướng đẩy giá lên.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, mặt bằng giá chung cư Hà Nội tại nhiều khu vực ngoại thành đã chạm mốc 60 – 80 triệu đồng/m2, khu vực nội thành ở ngưỡng 150 triệu đồng/m2. Vào thời điểm 5 năm trước, đây cũng là mặt bằng giá của chung cư TP.HCM. Hiện nay, mặt bằng giá chung cư TP.HCM có nơi lên đến 150 triệu đồng/m2, thậm chí có nơi 200 triệu đồng/m2.
Giá bất động sản vốn đã tăng cao do khan hiếm nguồn cung nay tiếp tục bị đẩy lên bởi ảnh hưởng từ đấu giá đất khiến nhiều người lo ngại giá nhà còn tiếp tục tăng mạnh từ nay đến cuối năm. Và nếu tình trạng giá bất động sản tăng liên tiếp không được kiểm soát sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường cho xã hội, trong đó là cả một thế hệ sẽ không mua được nhà.
Thời gian gần đây, chia sẻ của một bạn trẻ sinh năm 2005 đã sống một thời gian ở Hà Nội và tiếp xúc với những người đã sống ở Hà Nội lâu năm về việc mua nhà cũng đã gây dậy sóng dư luận: "Sẽ có 1 thế hệ không mua được nhà....Làm văn phòng bình thường gần như không thể mua được nhà. Nhiều lúc mình trầm tư, tự hỏi phải học bao nhiêu, làm bao nhiêu nữa mới đủ,..."
Thực tế cho thấy, nếu không nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ gia đình, mức thu nhập tối thiểu cần có để mua nhà là từ 30-45 triệu đồng hàng tháng. Trong khi đó, thu nhập trung bình của người trẻ hiện tại khoảng 10-15 triệu đồng. Nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình, người trẻ rất khó mua nhà vì thông thường đến năm 30 tuổi mới có thể đạt được mức lương 30-40 triệu/tháng. Mặt khác, từ khi ra trường đến năm 30 tuổi, giá đất và nhà có thể tăng nhanh, không chỉ dừng ở 3 tỷ mà còn có thể tăng lên 8 - 10 tỷ.
Bàn chuyện giá nhà tăng cao, Shark Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Sunhouse – cho biết, rất nhiều lần ông chia sẻ trên các diễn đàn câu chuyện thực ra Việt Nam đang lãng phí cơ hội, nhất là với tình trạng giá bất động sản neo cao. "Bản chất giá bất động sản là một con số ghi nhận giá trị, trong khi giá trị sử dụng không thay đổi. Căn nhà 1 tỷ đồng nhiều năm trước, nay tăng thêm 10 tỷ đồng, giá trị sử dụng không tăng thêm, nhưng lại gây áp lực lên chi phí tiền lương, vốn chiếm phần nhiều trong cơ cấu giá thành sản phẩm và dịch vụ.
Giá nhà tăng cao đẩy người trẻ vào cảnh "ngại cưới, lười sinh"
Một khảo sát nhanh trên fanpage VTV24 gần đây về lý do mong muốn kết hôn sau tuổi 30 cũng cho thấy, có đến 62% trong số khoảng 400.000 bạn trẻ tham gia khảo sát chọn kết hôn sau 30 vì vẫn còn những nỗi lo về cơm áo gạo tiền.
Theo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), mặc dù có nhiều lý do cho lựa chọn này, nhưng chủ yếu bắt nguồn từ vấn đề tài chính, nỗi lo về cơm áo gạo tiền này bị tác động rất lớn bởi giá nhà. Khi giá nhà - đang ngày càng tăng cao, kéo theo giá thuê nhà ở cũng tăng cao, gây áp lực đến chi phí sinh hoạt của người dân. Nhiều người trẻ có suy nghĩ phải mua được nhà trước khi kết hôn hoặc sinh con, nhưng do giá nhà đất hiện nay tăng vọt, không dễ để mua nên họ phải “cày ngày, cày đêm" để có thể mua nhà cho bằng được mà bỏ qua thời điểm “vàng" để lập gia đình, sinh con.
Tiền thuê nhà, sinh hoạt hàng tháng “nuốt” gần hết lương khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ chỉ dám sinh 1 con hoặc trì hoãn việc sinh con. Thực tế cho thấy, TP. HCM - nơi có giá nhà cao nhất cả nước, cũng đang là thành phố có độ tuổi kết hôn trễ nhất và mức sinh thấp nhất cả nước.
Theo đó, giai đoạn 2016 - 2018, giá nhà tại TP. HCM liên tục tăng cao và lập “đỉnh" mới. Cũng trong khoảng thời gian này, TP. HCM là nơi có chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) dẫn đầu cả nước.
Từ năm 2019, trong khi giá nhà TP. HCM tăng trưởng chậm lại thì giá nhà Hà Nội lại liên tục tăng cao. Hà Nội cũng “vươn lên" trở thành thành phố có chi phí đắt đỏ nhất cả nước. Đến thời điểm hiện tại, diễn biến giá căn hộ tại Hà Nội dường như đang đi theo thị trường TP.Hồ Chí Minh vào 5 năm trước. Mặt bằng giá tại Hà Nội cũng đã tiệm cận 80 triệu đồng/m2 sát mức giá ghi nhận được tại TP HCM. Độ tuổi kết hôn tại Hà Nội cũng đang ngày càng cao với mức sinh giảm sút.
Việc giá nhà tăng cao khiến giới trẻ "ngại cưới, lười sinh" gây thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, lực lượng và năng suất lao động giảm sút, tạo gánh nặng an sinh xã hội. Nhất là các vấn đề về dân số già và chăm sóc người cao tuổi khi trong ba thập niên tới, Việt Nam có hơn 30 triệu người cao tuổi và chiếm khoảng 25% dân số cả nước.
Có thể nói, giá nhà cao đang gây ra những hệ lụy cho cả một thế hệ trẻ. Đặc biệt, hàng loạt cuộc đấu giá gần đây với giá trúng ngất ngưởng với nhiều dấu hiệu bất thường khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ của một "quả bom" Thủ Thiêm thứ 2. Nhiều người lo ngại hệ lụy từ giá đất tăng đột biến trong các cuộc đấu giá sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền đẩy giá đất lên cao, tước đi cơ hội sở hữu nhà của hàng triệu người dân; gây bất ổn cho thị trường cũng như toàn xã hội, phá vỡ các nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội, giảm giá nhà của Chính phủ.