Hướng dẫn trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật giai đoạn 2021-2030
Bài viết sau có nội dung về việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 được quy định trong Quyết định 1257/QĐ-BLĐTBXH năm 2024.
Hướng dẫn trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 (Hình từ Internet)
Ngày 12/8/2024, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định 1257/QĐ-BLĐTBXH về Kế hoạch tổng thể thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030.
1. Hướng dẫn trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật giai đoạn 2021-2030
Theo quy định tại Mục III Kế hoạch tổng thể ban hành kèm theo Quyết định 1257/QĐ-BLĐTBXH năm 2024 thì việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 như sau:
- Nội dung thực hiện
+ Tăng cường thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý tại xã, phường, thị trấn nơi có nhiều người khuyết tật có khó khăn về tài chính và người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý khác có nhu cầu trợ giúp pháp lý, tại Hội người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh và các tổ chức khác của người khuyết tật khi có yêu cầu và phù hợp với điều kiện của địa phương;
+ Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tăng cường năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý khi thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người khuyết tật có khó khăn về tài chính và người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý khác;
+ Truyền thông về trợ giúp pháp lý đối với người khuyết tật có khó khăn về tài chính và người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý khác thông qua các hoạt động thích hợp.
- Trách nhiệm tổ chức thực hiện: Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan và địa phương.
- Thời gian thực hiện: Hàng năm.
2. Hướng dẫn hỗ trợ người khuyết tật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch
Việc hỗ trợ người khuyết tật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch được quy định cụ thể tại Mục III Kế hoạch tổng thể ban hành kèm theo Quyết định 1257/QĐ-BLĐTBXH năm 2024 như sau:
- Nội dung thực hiện
+ Hướng dẫn các tỉnh, thành phố thành lập và phát triển hệ thống câu lạc bộ thể dục, thể thao người khuyết tật;
+ Hoàn thiện và phát triển 15 môn thể thao dành cho người khuyết tật tập luyện, thi đấu;
+ Hướng dẫn các tỉnh, thành phố chỉ đạo hệ thống thư viện trên địa bàn hình thành môi trường đọc thân thiện, đa dạng hóa các dịch vụ và sản phẩm thông tin, thư viện và các điều kiện để hỗ trợ người khuyết tật;
+ Tăng cường ứng dụng công nghệ để người khuyết tật có thể nắm được thông tin về các điểm tham quan du lịch, nhà hàng, khách sạn, phương tiện và mức độ tiếp cận các điểm này với người khuyết tật;
+ Xây dựng tiêu chuẩn chế độ đối với người khuyết tật tham gia tập luyện và thi đấu thể thao trong nước và ngoài nước; tập huấn nghiệp vụ chuyên môn về lĩnh vực thể dục thể thao người khuyết tật cho các đối tượng: Trọng tài, huấn luyện viên, bác sỹ khám phân loại thương tật, hướng dẫn viên, cán bộ hội người khuyết tật; tập huấn sáng tác hội họa, âm nhạc, thơ ca cho người khuyết tật; tập huấn nghiệp vụ cho các hướng dẫn viên chuyên biệt về kỹ năng, phương pháp hỗ trợ người khuyết tật khi tham gia các hoạt động du lịch.
- Trách nhiệm tổ chức thực hiện: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Paralympic Việt Nam, các cơ quan liên quan và địa phương.
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2024 đến năm 2030.
Xem thêm Quyết định 1257/QĐ-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 12/8/2024.