Đảm bảo chế độ, chính sách hỗ trợ về nhà ở, đất ở đối với người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng
Bộ Quốc phòng trả lời cử tri về triển khai hiệu quả quy hoạch; ưu tiên nhân lực vùng sâu; chế độ cho cơ sở nòng cốt trong Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024, với nội dung: “Đối với dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (CNQP, AN và ĐVCN):
- Về quy hoạch CNQP, CNAN (Mục 1, Chương II), cử tri đề nghị trong quá trình thực hiện quy hoạch, cần có rà soát, đánh giá cụ thể về yêu cầu, nhiệm vụ, khả năng sản xuất, khả năng phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau giữa CNQP và CNAN để hạn chế việc thành lập cơ sở mới có cùng chức năng nhiệm vụ; tránh sự chồng chéo, lãng phí.
- Đề nghị bổ sung vào Chương IV nội dung quy định chính sách ưu tiên thu hút nhân lực tại địa phương thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa nơi các cơ sở CNQP, CNAN nòng cốt đóng quân.
- Đề nghị bổ sung vào Điều 62 quy định chế độ, chính sách đối với người lao động trong cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở CNAN nòng cốt chính sách hỗ trợ về nhà ở, đất ở đối với người lao động trong cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở CNAN nòng cốt.”.
Về nội dung kiến nghị nêu trên của cử tri, Bộ Quốc phòng trả lời như sau:
1. Để đảm bảo thực hiện quy hoạch CNQP, quy hoạch CNAN được hiệu quả, Luật CNQP, AN và ĐVCN đã quy định tại khoản 6 Điều 5 về nguyên tắc xây dựng và phát triển CNQP, AN và ĐVCN như sau: “Gắn kết chặt chẽ và phát huy tối đa năng lực của CNQP và CNAN; bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh trùng lặp trong đầu tư xây dựng, phát triển CNQP, AN”; tại khoản 3 Điều 9 về nguyên tắc lập quy hoạch CNQP, quy hoạch CNAN như sau: “Khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, nguồn lực trong nước và nước ngoài để xây dựng và phát triển CNQP, CNAN” và tại khoản 5 Điều 78 Luật giao Bộ Quốc phòng “chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng Danh mục sản phẩm vũ khí quân dụng, vật liệu nổ quân dụng do Bộ Công an đặt hàng cơ sở CNQP nghiên cứu, sản xuất”.
Thực tiễn hiện nay, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về xây dựng và phát triển CNQP, AN do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo (theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 20/02/2017) để thống nhất trong chỉ đạo, điều hành triển khai nhiệm vụ xây dựng, phát triển CNQP, AN theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Để Luật hoá nội dung này, Luật đã quy định về Ban Chỉ đạo Nhà nước về CNQP, AN và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này (Điều 7) nhằm tránh chồng chéo, lãng phí, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Với các quy định như trên, trong triển khai thi hành Luật, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan liên tục rà soát, đánh giá, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch dựa trên các yêu cầu và nhiệm vụ thực tiễn đảm bảo quy hoạch luôn phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của CNQP và CNAN để không chồng chéo, lãng phí.
Sẽ tiếp tục nghiên cứu, quy định các chính sách ưu tiên thu hút nhân lực tại địa phương
2. Chính sách thu hút, đãi ngộ, gìn giữ và phát triển nguồn nhân lực phục vụ trong cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở CNAN nòng cốt được quy định tại các Điều 25, Điều 65, Điều 66 và Điều 68 của Luật. Tại khoản 5 Điều 25, Luật giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong phạm vi quản lý, xây dựng quy chế tuyển dụng; chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực trong ngành nghề, lĩnh vực mà Quân đội, Công an có nhu cầu để phục vụ CNQP, AN; bố trí công việc theo chức danh biên chế, diện quản lý phù hợp với lĩnh vực đào tạo.
Thực tiễn hiện nay, các Nhà máy là cơ sở CNQP nòng cốt đều có những chính sách để thu hút, gìn giữ, tạo công ăn, việc làm cho người lao động tại địa phương. Cụ thể trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, các cơ sở CNQP của Tổng cục CNQP đã tuyển dụng đa số lao động tại địa phương, như: Nhà máy Z115 có 934 lao động (đạt khoảng 98%); Nhà máy Z127 có 623 lao động (đạt khoảng 93%); Nhà máy Z131 có 1.102 lao động (đạt khoảng 96%).
Trong quá trình triển khai thi hành Luật, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong phạm vi quản lý xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền các văn bản được giao, trong đó sẽ tiếp tục nghiên cứu, quy định các chính sách ưu tiên thu hút nhân lực tại địa phương thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa nơi các cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở CNAN nòng cốt đóng quân cho phù hợp.
Đảm bảo chế độ, chính sách hỗ trợ về nhà ở, đất ở đối với người lao động trong cơ sở CNQP
3. Để thực hiện hỗ trợ về nhà ở, đất ở đối với người lao động trong cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở CNAN nòng cốt, Luật CNQP, AN và ĐVCN đã quy định tại điểm c khoản 1 Điều 66 cho các đối tượng là chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư tham gia hoạt động CNQP, AN tại cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở CNAN nòng cốt được ưu tiên bố trí nhà ở công vụ, trường hợp chưa bố trí được nhà ở công vụ mà phải thuê nhà thì được hỗ trợ tiền thuê nhà ở.
Các đối tượng khác được thực hiện theo các quy định của các luật chuyên ngành mà không quy định trực tiếp tại Luật CNQP, AN và ĐVCN để tránh chồng chéo trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, có thể kể đến như với đối tượng là sĩ quan thực hiện quy định tại khoản 7, Điều 31 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 và năm 2014, quy định: “Sĩ quan tại ngũ được hưởng phụ cấp nhà ở; được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, được bảo đảm nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật”; với đối tượng là quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thực hiện tại khoản 3, Điều 36 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015, quy định: “Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được hưởng chính sách ưu tiên hỗ trợ về nhà ở xã hội, thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật”; tại Điều 103 Luật Nhà ở năm 2023, quy định “Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân bằng vốn đầu tư công để cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ; người làm công tác cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác thuê, thuê mua”.
Với các quy định như trên, người lao động trong các cơ sở CNQP, cơ sở CNAN có điều kiện ổn định về nơi ở, thuận lợi trong quá trình sinh hoạt và công tác, từ đó phát huy tối đa khả năng và đóng góp của họ vào sự phát triển của ngành CNQP, AN, đặc biệt là tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi thường gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng và sinh hoạt.
Đồng thời, hiện nay các cơ quan trong Bộ Quốc phòng đang thực hiện điều chỉnh, sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, trong đó có nội dung, chính sách liên quan về đất ở và nhà ở.
Đối với Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Bộ Quốc phòng đang tiến hành sơ kết, trong đó cũng đánh giá, đề xuất kiến nghị sửa đổi nội dung này để đảm bảo chế độ, chính sách hỗ trợ về nhà ở, đất ở đối với người lao động trong cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở CNAN nòng cốt đảm bảo khả thi, kịp thời, hiệu quả.
Thời gian qua, cùng với việc tập trung cho xây dựng, phát triển CNQP, CNAN, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã làm tốt công tác phối hợp với các địa phương xây dựng hệ thống nhà ở công vụ, nhà tập thể, bảo đảm đời sống cho người lao động trên địa bàn.
Mới đây, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã dành gần 30.000 m2 quỹ đất trong quy hoạch phân khu để xây dựng nhà công vụ, nhà tập thể, nhà trẻ, trạm xá,... cho cán bộ, công nhân viên, người lao động của Nhà máy Z127 trong Dự án di dời và đầu tư xây dựng Nhà máy Z127 mới.