Những ai không nên ăn đậu nành?

Thanh Thanh(Tổng hợp) 22/08/2024 13:41

Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành nếu sử dụng điều độ sẽ rất tốt cho sức khoẻ, tuy nhiên không phải ai cũng có thể ăn được loại thực phẩm này.

Đậu nành có tác dụng gì?

Báo Thanh Niên dẫn nguồn trang Eat This, Not That! cho biết, theo chuyên gia dinh dưỡng Piper từng có nhiều nghiên cứu ủng hộ sự an toàn của 25 gram protein đậu nành mỗi ngày.

Đậu nành giàu chất dinh dưỡng, cung cấp protein, chất xơ, canxi và vitamin B và nó dường như tác động tích cực đến những người mắc bệnh tim và tiểu đường và phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh.

Dưới đây là những lợi ích của việc ăn đậu nành điều độ:

  • Có thể hỗ trợ giảm cân.
  • Có thể bảo vệ trái tim của bạn.
  • Có thể giúp giảm nguy cơ cao huyết áp và viêm mạn tính.
  • Giúp xương chắc khỏe.
  • Chống lại bệnh ung thư vú.
Đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành tuy tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể ăn được.
Đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành tuy tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể ăn được.

Những ai không nên ăn đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành?

Đậu nành tuy tốt nhưng không phải ai cũng có thể ăn được. Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời ThS. Bác sĩ nội trú chuyên ngành ung bướu Nguyễn Xuân Tuấn cho biết, dưới đây là những nhóm người nên hạn chế ăn đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành:

Bệnh nhân suy thận

Bệnh nhân suy thận cần có chế độ ăn ít đạm, trong khi đó đậu nành và các chế phẩm của chúng là những thực phẩm giàu chất đạm, các chất chuyển hóa sẽ làm tăng gánh nặng cho thận.

Người có bệnh tuyến giáp

Thực phẩm đậu nành không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp ở người có tuyến giáp khỏe mạnh. Tuy nhiên nếu bạn có một tuyến giáp kém hoạt động, thực phẩm từ đậu nành được chứng minh là có thể cản trở cơ thể hấp thụ thuốc tuyến giáp.

Vì vậy, nên đợi ít nhất bốn giờ sau khi ăn các sản phẩm từ đậu nành để uống thuốc tuyến giáp đã được bác sĩ kê đơn. ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn cho biết, lượng đậu nành cho phép với người bệnh tuyến giáp là 30mg/ngày.

Đang hồi phục sau phẫu thuật, giảm sức đề kháng

Những người sau khi phẫu thuật hoặc ốm đau, sức đề kháng của cơ thể yếu và chức năng tiêu hóa không tốt nên hạn chế sử dụng sữa đậu nành, đặc biệt là sữa đậu nành lạnh vì dễ bị buồn nôn, tiêu chảy và các triệu chứng khác.

Tốt nhất bệnh nhân nên sử dụng sữa chua trong thời gian phục hồi, có thể thúc đẩy tiêu hóa và bảo vệ chức năng đường tiêu hóa.

Phụ nữ mang thai và đang cho con bú

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, mặc dù có tác dụng tăng sản sinh estrogen nhưng sữa đậu nành không nên dùng cho phụ nữ mang thai và cho con bú, nếu có thì dùng với 1 lượng nhỏ. Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra, thai phụ uống nhiều sữa đậu nành có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Người thiếu kẽm

Trong sữa đậu nành có rất nhiều vi chất, nhưng không có kẽm, hơn nữa còn có chế ức chế cơ thể hấp thu kẽm là lectin và saponin hormone. Chỉ trừ khi đun sôi sữa đậu nành, chất này mới được loại bỏ và không gây tình trạng thiếu kẽm.

Những người dùng sữa đậu nành trong thời gian dài được khuyên nên bổ sung kẽm vi lượng định kỳ theo nhu cầu của cơ thể.

Người cao tuổi

Chức năng thận của người cao tuổi tương đối yếu và nếu ăn đậu nành, tức là chúng ta đã nhập vào cơ thể quá nhiều đạm thực vật trong quá trình ăn. Các chế phẩm từ đậu nành sẽ làm tăng gánh nặng cho thận và có thể dẫn đến suy thận.

Nhiều người cao tuổi nếu sức khỏe tốt vẫn có thể ăn lượng đậu nành hợp lý, tuy nhiên cũng không nên ăn quá nhiều.

Trên đây là những người nên hạn chế ăn đậu nành. Nếu bạn thuộc nhóm những người trên hãy tránh xa đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành nhé.

Thanh Thanh(Tổng hợp)

Thanh Thanh(Tổng hợp)