Tăng cường phòng, chống dịch bệnh lây lan qua đường biên giới
GĐXH – Theo các chuyên gia, sự lây lan liên tục của các bệnh truyền nhiễm xuyên biên giới đòi hỏi phải huy động thêm các nguồn lực y tế công cộng toàn cầu và khu vực nhằm giám sát và ứng phó hiệu quả hơn với các mối đe dọa này.
Đây là nội dung chính được đưa ra tại Hội thảo "Chia sẻ thông tin và xây dựng kế hoạch hợp tác trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm lan truyền qua biên giới các tỉnh biên giới hai nước Việt Nam và Campuchia" do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), với sự hỗ trợ của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Cơ quan Di cư của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam tổ chức ngày 22/8, tại An Giang.
Hội thảo Hội thảo có sự góp mặt của hơn 50 chuyên gia và cán bộ cấp cao từ Bộ Y tế Việt Nam, Bộ Y tế Campuchia, và 8 tỉnh biên giới của hai nước.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh: Ngành Y tế Việt Nam luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phối hợp liên ngành (đặc biệt giữa 2 ngành y tế và thú y), cũng như chia sẻ thông tin và hợp tác trong chuẩn bị sẵn sàng và đáp ứng với dịch bệnh truyền nhiễm và các tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng tại các cửa khẩu biên giới giữa 2 nước phù hợp với các điều ước quốc tế, Hiệp định Kiểm dịch y tế biên giới và các quy định pháp luật riêng của mỗi nước.
Việt Nam cũng xác định rõ sự cần thiết tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành tại cửa khẩu và hợp tác quốc tế chia sẻ thông tin dịch bệnh; phòng, chống và điều tra, giám sát, đánh giá nguy cơ giữa các tỉnh chung biên giới Việt Nam và Campuchia, góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe cho cư dân biên giới và an ninh y tế khu vực biên giới giữa hai quốc gia.
Đáng chú ý, trong quý đầu tiên của năm 2024, Việt Nam đã trải qua các đợt bùng phát cúm A (H5N1) tại 6 tỉnh, trong đó có Long An, giáp biên giới Campuchia. Tháng 3/2024, Việt Nam xác nhận ca tử vong đầu tiên ở người do cúm gia cầm H5N1 sau 10 năm, tiếp theo là ca nhiễm cúm gia cầm đầu tiên ở người do H9N2 vào tháng 4/2024.
Từ đầu năm 2024, 3 tỉnh của Campuchia giáp biên giới Việt Nam đã báo cáo 9 trường hợp mắc cúm gia cầm H5N1 ở người, trong đó có một trường hợp tử vong. Sự lây lan liên tục của các bệnh truyền nhiễm xuyên biên giới đòi hỏi phải huy động thêm các nguồn lực y tế công cộng toàn cầu và khu vực nhằm giám sát và ứng phó hiệu quả hơn với các mối đe dọa này.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực sức khỏe con người và sức khỏe thú y của Việt Nam và Campuchia đã đánh giá kết quả thực hiện Hiệp định song phương về kiểm dịch y tế biên giới giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia năm 2009.
Đồng thời, cũng xác định những khoảng trống còn tồn tại cũng như những nhu cầu thiết yếu trong việc triển khai các hoạt động y tế công cộng hiện có ở cấp tỉnh, quốc gia và khu vực.
Bên cạnh đó, cập nhật thông tin về các xu hướng mới của những bệnh truyền nhiễm mới nổi như cúm A/H5N1; song song với chia sẻ từ đại diện các tỉnh về nhiều điển hình thực tiễn tốt cũng như những bài học kinh nghiệm về công tác phối hợp xuyên biên giới và đề xuất các biện pháp can thiệp chung cho cả hai quốc gia.
Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận kỹ tiến độ chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Những thách thức chưa từng có và các cuộc khủng hoảng mới đã được nêu bật, nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa sự di chuyển của con người, động vật và sức khỏe cộng đồng, an ninh y tế, cùng với nhu cầu cấp thiết về các phương pháp tiếp cận đa ngành.
"Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ Việt Nam và Campuchia áp dụng mô hình Một sức khỏe để triển khai các biện pháp can thiệp y tế công cộng đa ngành và phù hợp với đặc thù của việc di cư.
Việc tăng cường năng lực tiếp cận mô hình Một sức khỏe tại các khu vực biên giới rất quan trọng vì đây là những khu vực dễ lây lan nhanh các bệnh truyền nhiễm, bao gồm cả những bệnh có thể lây từ động vật sang người", Tiến sĩ Aiko Kaji, Giám đốc Chương trình Y tế cho người di cư của IOM chia sẻ.
Mô hình Một sức khỏe là cách tiếp cận hợp tác, đa ngành và liên ngành nhằm tối ưu hóa sức khỏe của con người, động vật và môi trường. Mô hình góp phần phát triển hiệu quả các giải pháp để giải quyết các vấn đề sức khỏe giữa con người, động vật và môi trường, bao gồm cả các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.