Tòa đang tuyên án 254 bị cáo vụ "đại án" Đăng kiểm

Minh Đức 23/08/2024 11:03

Sáng 23/8, sau khi tạm dừng gần một tuần để nghị án, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa sơ thẩm với phần tuyên án đối với sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM, và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

san-toa-23-8-dsc_7734.jpg
Các bị cáo tại ngoại xếp hàng để vào tòa nghe tuyên án.

Mở đầu, Chủ toạ, Thẩm phán Huỳnh Văn Trực giới thiệu thành phần tham dự, thành viên HĐXX và đại diện VKSND cùng cấp. Sau đó, chủ toạ đọc danh sách 254 bị cáo liên quan trong vụ án này.

Theo chủ toạ, có 3 bị hại trong vụ án này, 2 bị hại có mặt, 1 bị hại vắng mặt. Có 66 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng đều vắng mặt tại phiên tòa.

Có 227 luật sư có mặt tại phiên tòa, còn lại là gửi bài bào chữa để bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo.

Qua xét hỏi, tất cả các bị cáo có mặt đều thừa nhận nội dung bản cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng. VKS cũng có đính chính và đề nghị xử phạt đối với từng bị cáo theo quyết định của VKS truy tố.

cac-bi-cao-23-8-dsc_7750.jpg
Các bị cáo tại tòa ngày 23/8/2024, chuẩn bị nghe tuyên án.

Tại phiên tòa, các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Có một số bị cáo đề nghị HĐXX xem xét, tính toán lại số tiền mà cáo trạng quy buộc là chưa phù hợp quy định. Tuy nhiên các bị cáo không có tài liệu, chứng cứ bổ sung để HĐXX xem xét.

Theo chủ toạ, riêng bị cáo Phạm Tiên Tiến và Nguyễn Thị Ngọc Bích cho rằng không biết đó là hành vi phạm tội “Đưa hối lộ” và tội “Sử dụng tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Trong tranh luận, các bị cáo đều đồng ý với tội danh mà VKS đã truy tố, ngoại trừ 2 bị cáo nêu trên.

Các bị cáo đồng ý phần bào chữa của luật sư đã bảo vệ quyền lợi của các bị cáo tại phiên tòa. Một số bị cáo không có luật sư thì tự bào chữa cho mình, các bị cáo có luật sư thì bào chữa bổ sung.

Nói lời sau cùng, các bị cáo đều đề nghị HĐXX xem xét, khoan hồng giảm nhẹ hình phạt thấp nhất có thể; tạo điều kiện để các bị cáo cải tạo sớm hòa nhập với cộng đồng, lao động đóng góp cho xã hội và làm tròn trách nhiệm với gia đình, người thân.

hdxx-17-8-dsc_7678.jpg

Trong phần luận tội, đại diện VKS đã phân tích tính chất, mức độ, vai trò phạm tội của từng bị cáo, hậu quả xảy ra. Nêu rõ tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và giữ nguyên quyết định truy tố đối với các bị cáo theo cáo trạng.

Theo cáo trạng, 254 bị cáo mặc dù là đại diện cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm chất lượng, an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, bảo vệ môi trường đối với phương tiện, nhưng lãnh đạo Cục, Phòng đến các Trung tâm cùng nhau thống nhất, chỉ đạo các đăng kiểm viên nhận tiền từ trung tâm, các chủ phương tiện để bỏ qua lỗi.

Cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình bị truy tố về tội "Nhận hối lộ" hơn 7,1 tỷ đồng và tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong việc duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện theo quy định.

Cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi "Nhận hối lộ" với tổng số tiền hơn 40,2 tỷ đồng. Trong đó, cá nhân ông Hà hưởng lợi hơn 8,5 tỷ đồng.

Cựu Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Vũ Hải, phụ trách hoạt động của Phòng Tàu sông bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong việc cấp thông báo năng lực cho 15 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện theo quy định.

Bị hại trong vụ án là Trung tâm đăng kiểm 73-01S (bị hại liên quan hành vi tham ô tài sản của bị cáo Trương Thị Anh Vân - kế toán Trung tâm 73-01S); bị cáo Đặng Việt Hà (liên quan hành vi lừa đảo của bị cáo Nguyễn Văn Chung) và bị cáo Huỳnh Văn Tiến (giám đốc Công ty Tân Á Đông, liên quan hành vi lừa đảo của bị cáo Nguyễn Thành Lê - Giám đốc Công ty Vietship).

Minh Đức