Đề xuất chi hơn 4.600 tỉ nâng cấp Quốc lộ 14D ở Quảng Nam

Theo Trần Thường 23/08/2024 11:14

Trong 19 nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư các dự án quan trọng, cấp bách mà Bộ GTVT đề xuất đầu tư giai đoạn 2021-2025 có dự án nâng cấp Quốc lộ 14D với tổng mức đầu tư hơn 4.600 tỉ đồng.

Ngày 23-8, ông Trần Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Nam, cho biết vừa qua, Sở đã có công văn báo cáo tình hình khai thác, quản lý và sửa chữa tuyến Quốc lộ 14D gửi Cục Đường bộ Việt Nam.

Trong công văn, Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho biết Quốc lộ 14D là tuyến đường huyết mạch, là một phần của Hành lang Kinh tế Đông Tây 2, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với chiến lược phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của khu vực nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng.

Đề xuất chi hơn 4.600 tỉ nâng cấp Quốc lộ 14D ở Quảng Nam- Ảnh 1.
Mặt đường nhựa tuyến Quốc lộ 14D bong tróc trơ móng đá dăm, mỗi lần xe chạy bụi bay mù mịt

Tuyến Quốc lộ 14D qua tỉnh Quảng Nam có chiều dài 74,4 km; được đưa vào khai thác năm 2004 (đã 20 năm) với tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, nền mặt đường nhỏ hẹp, chỉ từ 3,5 đến 5,5 m.

Từ tháng 7-2023 đến nay, nhiều xe chở quặng (xe trên 5 trục, tổng trọng lượng khoảng 48 tấn) từ Lào đi về Việt Nam qua cửa khẩu Nam Giang, vớt khoảng 250 lượt/ngày khiến tuyến đường bị hư hỏng rất nhanh và tăng lên từng ngày, khả năng duy tu bảo dưỡng để đảm bảo an toàn giao thông là đặc biệt khó khăn, vượt quá hạn mức kinh phí quy định.

Ngoài ra, trên tuyến có khoảng 10 đường cong bán kính nhỏ hẹp, chưa được cải tạo nên xe đầu kéo đi lại rất khó khăn, thường tự rơi xuống rãnh dọc và gây ách tắc giao thông. Đường đã bong tróc hầu hết mặt nhựa chỉ còn móng đá dăm, nhiều đoạn hư hỏng đến nền đường đất nên sinh bụi gây ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của nhân dân 5 xã vùng cao huyện Nam Giang.

Sở GTVT tỉnh Quảng Nam đề xuất Cục Đường bộ Việt Nam tham mưu Bộ GTVT cấp kinh phí sửa chữa trước mắt để đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tác động đến đời sống người dân.

Đề xuất chi hơn 4.600 tỉ nâng cấp Quốc lộ 14D ở Quảng Nam- Ảnh 2.
Đề xuất chi hơn 4.600 tỉ nâng cấp Quốc lộ 14D ở Quảng Nam- Ảnh 3.
Người dân lưu thông qua lại hết sức vất vả

Bên cạnh đó, Sở GTVT tỉnh Quảng Nam đề nghị sớm triển khai thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo đồng bộ tuyến Quốc lộ 14D với tổng mức đầu tư khoảng 3.400 tỉ đồng.

Liên quan đến tuyến Quốc lộ 14D, ngày 28-3, Bộ GTVT đã có công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - về việc đề nghị điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để xử lý nợ đọng XDCB, thu hồi ứng trước kế hoạch và bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án cấp bách, đã hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Clip: Khổn khổ đi lại trên tuyến Quốc lộ 14D

Trong công văn, Bộ GTVT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung thêm kinh phí kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho 1 dự án và 19 nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư các dự án quan trọng, cấp bách đã có ý kiến chỉ đạo của Quốc hội, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền, từ số vốn kế hoạch trung hạn còn dư.

Trong 19 nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư các dự án quan trọng, cấp bách đã có ý kiến chỉ đạo như đã nêu trên, có Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 14D tỉnh Quảng Nam.

Nguồn vốn được đề xuất để thực hiện dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 14D là 4.612 tỉ đồng, từ ngân sách Trung ương.

Trước đó, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng xuống cấp hết sức trầm trọng của tuyến Quốc lộ 14D ở tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt là kể từ thời điểm tháng 5-2023 đến nay, khi mỗi ngày tuyến đường này gánh hàng trăm lượt xe chở quặng bô-xít từ Lào quá cảnh về Việt Nam qua các cảng biển ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế để xuất đi Trung Quốc.

Ngày 20-12-2023, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT có phương án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 14D từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã phân bổ cho bộ, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực.


Theo Trần Thường