Phát hiện con trai khác nhóm máu, người đàn ông lập tức lấy tóc xét nghiệm ADN
Phát hiện bản thân và con trai không cùng nhóm máu, anh Kiên nghi ngờ bị vợ “cắm sừng”, liền lấy mẫu tóc 2 bố con đi xét nghiệm ADN.
Sau kết hôn, anh Nguyễn Kiên và chị Lê Hạ (ở Hà Nội) có với nhau cậu con trai tên Nam. Chào đời thiếu tháng nên Nam thường xuyên bị ốm. Một lần, bé bị bệnh nặng, cần truyền máu, bác sĩ phải gọi người thân, lúc này anh Kiên hốt hoảng phát hiện mình và con không cùng nhóm máu.
Nghi ngờ bị vợ lừa dối, nên về nhà anh Kiên liên tục tra khảo vợ về con trai. Chị Hạ khóc lóc khẳng định anh là mối tình đầu cũng là tình cuối, không quan hệ ngoài luồng với bất cứ ai, đứa trẻ chính là máu mủ của 2 vợ chồng.
Không tin những lời vợ nói, anh Kiên một mực đòi xét nghiệm ADN để giám định huyết thống. Nhổ vài sợi tóc của mình và con đem đến trung tâm xét nghiệm di truyền, Kiên nhận được kết quả khẳng định anh và con có quan hệ huyết thống.
Theo Đại tá Hà Quốc Khanh, chuyên gia của một trung tâm xét nghiệm di truyền, dù phương pháp tính nhóm máu có thể dự đoán được khả năng mối quan hệ huyết thống cha con nhưng độ chính xác rất thấp, do đó không được chấp nhận cho mục đích pháp lý.
Di truyền nhóm máu ABO hay Rh là do ADN quyết định, người con đương nhiên là được thừa hưởng nhóm máu do bố mẹ truyền cho. Tuy nhiên, nhóm máu của con không phải lúc nào cũng giống bố mẹ, vì đó chỉ là biểu hiện của gene. Nhóm máu phụ thuộc vào tình trạng trội hoặc lặn trong hệ thống nhóm máu ABO.
Gene quy định nhóm máu A và B là trội so với nhóm O. Ví dụ người nhóm máu A thì kiểu gene có thể là AA hoặc AO, ngược lại người nhóm máu O kiểu gene là OO. Do vậy việc con có cùng hay khác nhóm máu với bố mẹ không giải đáp được câu hỏi đứa trẻ đó cùng huyết thống hay không. Trừ khi bố mẹ cùng nhóm máu O mà con lại nhóm máu A, B hoặc AB thì sẽ là không có quan hệ huyết thống.
“Không phải cứ là cha con ruột thì sẽ chung nhóm máu với con. Đây cũng là câu trả lời chung cho nhiều người để tránh có những hiểu lầm đáng tiếc, ảnh hưởng mối quan hệ gia đình”, ông Khanh nói.
Để xác định chính xác quan hệ huyết thống, mọi người phải thực hiện xét nghiệm ADN. Hiện xét nghiệm ADN cho kết quả chính xác tới 99,99%.
ADN là thông tin di truyền được mã hóa trong mỗi tế bào của cơ thể chúng ta, do đó nhiều loại mẫu có thể được sử dụng để xét nghiệm, như máu, tóc, móng tay, răng, niêm mạc miệng và thậm chí là bàn chải đánh răng.