Cô gái 25 tuổi vĩnh viễn mất khả năng sinh sản vì hút mỡ bụng
Một cô gái Trung Quốc bị teo hoàn toàn buồng trứng sau khi tiến hành hút mỡ bụng để có thân hình hoàn hảo hơn.
Tờ Zhejiang Medical Online đưa tin Xiaomei, 25 tuổi, có ngoại hình ưa nhìn với chiều cao khoảng 1,65 m và cân nặng ban đầu khoảng 58 kg. Tuy không béo nhưng Xiaomei lại có tiêu chuẩn rất cao về bản thân, cô thấy bụng mình hơi to, mặc quần áo không đẹp.
Từng thử các phương pháp giảm cân nhưng rất khó để có được vòng eo nhỏ nhắn như mong muốn, đầu năm nay Xiaomei đã quyết định phẫu thuật hút mỡ bụng.
Tuy nhiên, sau ca phẫu thuật, Xiaomei thấy mình không có kinh nguyệt. Hơn nửa năm trôi qua, tình trạng này không thay đổi khiến cô lo lắng đến bệnh viện. Kết quả kiểm tra cho thấy buồng trứng của Xiaomei bị teo hoàn toàn, đồng nghĩa với việc cô vĩnh viễn mất khả năng sinh sản.
Các bác sĩ cho rằng, giảm cân quá đà sẽ khiến lượng mỡ trong cơ thể giảm nhanh, ảnh hưởng đến quá trình tiết hormone sinh dục bình thường và còn ảnh hưởng đến chức năng cơ quan sinh sản. Tế bào mỡ có thể sản xuất estrone, chất này ảnh hưởng đến trục tuyến sinh dục vùng dưới đồi - tuyến yên - buồng trứng, từ đó ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng. Khi lượng mỡ trong cơ thể giảm đi đáng kể, buồng trứng cũng sẽ bị ảnh hưởng.
"Để theo đuổi thân hình đẹp hơn, nhiều cô gái thường bỏ qua những thực phẩm chủ yếu và thay thế bằng salad, trái cây hoặc đồ ăn thay thế. Bằng cách này, họ kiểm soát lượng calo nạp vào và ngăn ngừa việc tăng cân. Theo thời gian, điều tiếp theo là kinh nguyệt rối loạn gây tổn hại đến chức năng buồng trứng", bác sĩ cho biết.
Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo các cô gái không nên mù quáng theo đuổi việc gầy nhất có thể. Trên thực tế, phụ nữ phải có một lượng mỡ nhất định để duy trì chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Bởi chất béo có chứa steroid, chất có liên quan chặt chẽ đến lượng hormone trong cơ thể.
Đặc biệt, đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nếu quá gầy sẽ dẫn đến hàng loạt vấn đề như kinh nguyệt không đều, rối loạn nội tiết, loãng xương, suy buồng trứng sớm, ảnh hưởng chức năng sinh sản. Trong trường hợp nghiêm trọng, các cơ quan khác trên cơ thể cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Theo Sohu, tỷ lệ mỡ trong cơ thể có liên quan chặt chẽ đến tỷ lệ mắc bệnh mỡ nội tạng và chuyển hóa. Tỷ lệ mỡ trong cơ thể cao sẽ gây ra tỷ lệ mắc các bệnh chuyển hóa cao hơn như mỡ máu cao, tăng huyết áp, tăng đường huyết và axit uric cao. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là không phải tỷ lệ mỡ trong cơ thể càng thấp thì càng tốt.
Chất béo đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự tổng hợp hormone giới tính và ổn định chuyển hóa xương. Tỷ lệ mỡ trong cơ thể quá thấp có thể dẫn đến nhạy cảm với cảm lạnh, rối loạn kinh nguyệt, loãng xương...
Nhìn chung, hàm lượng mỡ trong cơ thể của nam giới trưởng thành bình thường chiếm từ 10% đến 20% trọng lượng cơ thể, còn của phụ nữ là 15% đến 25%. Tỷ lệ mỡ trong cơ thể >25% đối với nam và >30% đối với nữ thì có thể được coi là béo phì.
Hướng Dương (Theo Sohu)