Chồng bị nợ xấu thì vợ có vay ngân hàng được không?

Kim Anh 23/08/2024 16:55

Chồng nợ xấu vợ có vay ngân hàng được không là thắc mắc mà tổng đài của LuatVietnam nhận được khá nhiều trong thời gian qua. Dưới đây là giải đáp chi tiết.


Nợ xấu là gì? Được xoá khi nào?

Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư số 31/2024/TT-NHNN, các khoản nợ được phân thành 05 nhóm gồm: nhóm nợ 1 là nợ đủ tiêu chuẩn, nhóm nợ 2 là nợ cần chú ý, nhóm nợ 3 là nợ dưới tiêu chuẩn, nhóm 4 là nợ nghi ngờ, nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn.

Trong đó, khoản 5 Điều 3 Thông tư 31 quy định:

5. Nợ xấu (NPL) là nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán (nợ xấu nội bảng), gồm nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5.

Dựa vào các quy định trên, nợ xấu là khoản nợ được ngân hàng phân loại vào các nhóm nợ 3, 4 và 5.

Đây là các khoản nợ khó đòi khi người vay không thể trả nợ khi đến hạn phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng. Thông thường, các khoản nợ xấu thường quá hạn thanh toán trên 90 ngày.

Ngân hàng cho vay có trách nhiệm cung cấp thông tin về nợ xấu của khách hàng cho CIC - Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam. Đồng thời, CIC sẽ tổng hợp danh sách khách hàng thuộc nhóm nợ xấu để cung cấp cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng khác khi các cơ quan, tổ chức này yêu cầu CIC cung cấp.

Trước khi thực hiện cho bất kỳ một khách hàng nào vay vốn tại ngân hàng mình, các nhân viên tín dụng đều phải thực hiện yêu cầu CIC cung cấp thông tin về khoản vay hiện tại, khoản vay quá hạn (nếu có), họ tên người vay, nơi vay vốn…

Đặc biệt, với các khoản vay trên 10 triệu đồng thì sẽ được cập nhật hàng tháng và trong thời gian tối đa 05 năm kể từ ngày tất toán và các khoản vay dưới 10 triệu đồng sẽ không bị lưu trữ vào danh sách nợ xấu nếu đã tất toán.

Xem thêm…

Chồng bị nợ xấu thì vợ có vay ngân hàng được không?


Vợ có được vay tiền nếu chồng bị nợ xấu không?

Thông tin nợ xấu là một trong những thông tin tiêu cực về khách hàng vay bên cạnh việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán, các hành vi vi phạm pháp luật, bị khởi kiện, khởi tố… ảnh hưởng đến kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay.

Trong trường hợp người vay bị nợ xấu thì chắc chắn sẽ rất khó vay tiếp ở các ngân hàng khác dù là vay thế chấp hay vay tiêu dùng (vay tín chấp). Do đó, cần xem xét hai trường hợp khi chồng vướng nợ xấu:

1- Nếu người vay là hai vợ chồng

Thông thường hiện nay, hình thức vay phổ biến là thế chấp bằng tài sản. Do đó, nếu vợ chồng cùng đứng ra vay vốn và thế chấp bằng tài sản chung của vợ chồng như quyền sử dụng đất, ô tô… thì nếu một trong hai người vướng nợ xấu, hầu hết các ngân hàng sẽ không chấp thuận cho vay vốn tại tổ chức mình.

2- Nếu một trong hai người vướng nợ xấu

Bên cạnh việc tra cứu thông tin tín dụng của chính người đó, các ngân hàng thường yêu cầu khách hàng vay phải cung cấp thông tin của người thân, thậm chí là bạn bè, đồng nghiệp… để làm người tham chiếu, chịu trách nhiệm liên đới khi người vay không thể trả được nợ.

Do đó, nếu người chồng vướng nợ xấu, một mình đứng ra vay vốn để thực hiện nghĩa vụ của mình thì trong trường hợp này, các ngân hàng cũng sẽ khá khó khăn thậm chí không xem xét đồng ý cho người còn lại vay vốn.

Như vậy, có thể thấy, nếu một trong hai vợ chồng vướng nợ xấu thì nhiều khả năng người còn lại cũng sẽ không được các ngân hàng xem xét, quyết định cho vay.

Trên đây là giải đáp về vấn đề chồng nợ xấu vợ có vay ngân hàng được không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Kim Anh