10 mẹo 'chống cháy túi' của nhân viên văn phòng 35 tuổi
Zuo Zhong, nhân viên văn phòng, 35 tuổi, luôn mang bữa trưa đi làm, đặt ra những ngày không chi tiêu để tiết kiệm.
Zuo Zhong đồng thời là tác giả chuyên viết về lối sống, mẹo dọn dẹp nhà cửa, phát triển bản thân trên trang tin Wanku, Trung Quốc. Cô nói: "Tiết kiệm giúp tôi tìm được một loại hạnh phúc mới, khiến tôi nhận ra mình có thể sống tốt mà không cần tiêu tiền".
Dưới đây là 10 cách Zuo đã áp dụng để tiết kiệm tiền.
1. Đặt mục tiêu tiết kiệm rõ ràng
Cho dù là việc mua nhà trong tương lai, du lịch hay trường hợp khẩn cấp, cô đều đặt ra số tiền cụ thể. Zhong đặt chế độ chuyển tiền tự động vào tài khoản tiết kiệm hàng tháng để tránh chi tiêu quá mức. "Nhìn thấy tiền tiết kiệm ngày càng tăng mang lại cho tôi cảm giác đạt được thành tựu và sẵn sàng duy trì thói quen này dài lâu", cô nói.
2. Giảm các dịch vụ thuê bao không cần thiết
Zuo Zhong cũng từng đăng ký làm thành viên của nhiều dịch vụ, nhưng cô thường xuyên xem lại danh sách và hủy các dịch vụ ít sử dụng.
3. Mang theo bữa trưa và tận hưởng cuộc sống lành mạnh
"Bạn không chỉ có thể kiểm soát chất lượng nguyên liệu và đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh mà còn tiết kiệm được rất nhiều tiền", Zuo Zhong nói.
Quá trình chuẩn bị bữa trưa cũng giúp Zhong tận hưởng niềm vui nấu nướng. Đôi khi cô cũng thử những công thức nấu ăn mới, khiến cuộc sống trở nên nhiều màu sắc hơn.
4. Suy nghĩ kỹ trước khi mua sắm
"Nếu thấy một món đồ thực sự muốn mua, tôi sẽ không mua nó ngay mà dành một khoảng thời gian hạ nhiệt, thường là vài ngày đến một tuần" cô nói. Nếu Zhong vẫn thấy nó không thể thiếu trong giai đoạn này, cô sẽ cân nhắc mua nó. Nhờ thế, cô tránh được các lần mua sắm bốc đồng.
5. Mua đồ cũ
Cho dù đó là quần áo, sách hay đồ nội thất, nhiều món đồ cũ vẫn ở tình trạng tốt và có giá cả phải chăng. Zhong thường ghé thăm những nơi bán đồ cũ tại địa phương và tìm thấy nhiều thứ tốt với chi phí rẻ. Điều này không chỉ giúp cô tiết kiệm tiền mà còn thân thiện với môi trường.
6. Tự làm đồ thủ công
Zhong tự làm một số đồ trang sức và trang trí nhà cửa. Cô cho biết đây cũng là cách để tận hưởng niềm vui sáng tạo.
7. Tận dụng các chương trình tích điểm và thưởng
Thẻ tín dụng từ các ngân hàng lớn và các chương trình tích điểm thành viên đều là những cách giúp Zhong tiết kiệm tiền. Cô đã sử dụng những điểm này để đổi phiếu mua hàng, dặm bay hoặc bù đắp trực tiếp cho mức tiêu dùng.
8. Bỏ bớt đồ đạc
Zhong bắt đầu có thói quen bỏ đi những món đồ trong nhà không còn cần nữa. "Đơn giản hóa cuộc sống và giảm bớt ham muốn vật chất đã giúp tôi hiểu rõ hơn về nhu cầu của mình", cô nói.
9. Thiết lập ngày không chi tiêu
Zhong thiết lập một vài ngày không chi tiêu mỗi tháng. Thông qua phương pháp này, cô nhận thấy bản thân không chỉ tiết kiệm được một số chi phí mà còn xem xét lại được thói quen tiêu dùng thông thường. Mỗi khi kết thúc "ngày không chi tiêu", Zhong cho biết cô có cảm giác đạt được thành tựu và nhận ra mình thực sự có thể sống một cuộc sống trọn vẹn với ít tiền hơn.
10. Chia sẻ ý tưởng tiêu dùng với bạn bè
Cô thường chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm tiền với bạn bè, và cùng họ cố gắng giảm tần suất đi ăn ngoài, đi chơi. Thay vào đó, Zhong chọn một số hoạt động chi phí thấp hoặc miễn phí như đi bộ, xem phim, nấu ăn... cùng nhau.
>> Hết tiêu tiền bừa bãi nhờ thử thách 'ngày chi tiêu 0 đồng'
Hằng Trần