Quận Tây Hồ nằm ở phía Bắc nội thành Hà Nội, được thành lập tháng 10 năm 1995 trên cơ sở tách 3 phường của quận Ba Đình và 5 xã của huyện Từ Liêm. Quận Tây hồ có diện tích 24 km2, gồm 8 phường: Bưởi, Yên Phụ, Thuỵ Khuê, Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân, Xuân La, Phú Thượng với dân số hơn 171.000 người. Quân Tây Hồ là một trong những quận có địa hình đặc biệt khi 1/5 diện tích là Hồ Tây (hơn 5 km2). Đây cũng là hồ tự nhiên lớn nhất thành phố Hà Nội. Xung quanh hồ có 71 di tích lịch sử văn hóa gồm chùa, đình, đền, miếu, am với kiến trúc mang giá trị nghệ thuật cao (trong đó 24 di tích được xếp hạng cấp quốc gia). Vài chục năm trước, hồ Tây còn khá hoang sơ và nhiều tôm cá. Ông Nguyễn Quang Kiên (72 tuổi) chia sẻ: “Lúc bé, nhà tôi ở Thụy Khuê, cách Hồ Tây không xa. Tôi thường ra Hồ Tây bắt cá, bắt tôm. Có lần câu được cá trắm 5-7kg. Tôm mang về làm bánh, bánh Tôm là đặc sản xứ này, có từ hồi năm 70 - 80, bán dọc khắp con phố Thanh Niên, phía bên hồ Trúc Bạch”. Quận Tây Hồ trước đây có khá nhiều đất nông nghiệp. Ông Lý Công Hiển (67 tuổi) sinh ra và lớn lên tại phường Phú Thượng cho biếti: “Đất Phú Thượng nằm giáp sông Hồng, khu vực này là đất nông nghiệp, người dân sinh sống quanh năm canh tác hoa màu, chăn thả gia súc. Sau này, ngày đất nông nghiệp được quy hoạch để đầu tư các dự án, trâu bò dần cũng “tuyệt chủng”, không còn ai nuôi. Đất ở Ciputra giờ là mơ ước của nhiều người, một m2 có giá 200 – 300 triệu, căn nhà vài chục tỷ đồng. Trong khi đó, vào thời điểm cuối năm 2009, giá một m2 đất ở quận Tây Hồ chỉ 20 triệu đồng”. Gần 30 năm xây dựng và phát triển, quận Tây Hồ đã đạt được những thành tựu lớn về kinh tế - xã hội; cơ sở hạ tầng, giao thông ngày càng khang trang, hiện đại. Có thể kể đến như công trình cầu Nhật Tân, đường Võ Chí Công, Lạc Long Quân… Dự kiến sẽ xây thêm cầu Tứ Liên và tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo. Cầu Nhật Tân được chính thức khởi công năm 2009, khánh thành và đưa vào hoạt động năm 2015. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn của cầu gần 9 km; phần chính bắc qua sông dài 1,5 km. Mặt cầu Nhật Tân rộng 33 m với 8 làn xe. Đây là cây cầu nổi tiếng bắc qua sông Hồng được thế giới biết đến là top 5 cây cầu thép dây văng nhiều nhịp nhất thế giới. Cầu nối quận Tây Hồ và huyện Đông Anh.Cũng theo Quy hoạch phát triển Giao thông Vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, thành phố sẽ được xây dựng thêm cầu Tứ Liên nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh. Dự án cầu Tứ Liên và đường dẫn có tổng chiều dài 11,5 km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng. Dự kiến, cầu Tứ Liên là cây cầu dây văng thứ 2 (sau cầu Nhật Tân) được xây dựng tại Thủ đô. Quận Tây Hồ cũng là khu vực dự kiến có tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo đi qua. Dự án có chiều dài 11,5 km, dự kiến hoàn thành vào năm 2031. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 35.000 tỷ đồng. Nhờ có hệ thống giao thông thuận lợi, khu vực này thu hút đông đảo các nhà đầu tư. Nhiều khu đô thị mới hình thành như Khu đô thị Ciputra, Khu đô thị Tây Hồ Tây, Dự án Lotte Mall Tây Hồ… Khu đô thị Ciputra (hay còn gọi là Khu đô thị Nam Thăng Long) là một trong những dự án cao cấp đầu tiên ở quận Tây Hồ, quy mô lớn nhất miền Bắc với 2 loại hình căn hộ cao cấp và khu biệt thự thấp tầng. Đây cũng là dự án bất động sản đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam từ trước đến năm 2007, với số vốn đầu tư đăng ký lên tới hơn 2 tỷ USD. Ngoài ra, quận Tây Hồ còn có dự án Khu đô thị Tây Hồ Tây (tên thương mại là Starlake Tây Hồ Tây), tổng diện tích hơn 186 ha. Đây được xem là khu đô thị có giá chung cư, biệt thự, liền kề đắt đỏ bậc nhất Hà Nội. Vào thời điểm mở bán, mức giá được đưa ra cho căn hộ chung cư tại đây là từ 52 - 75 triệu đồng/m2, shophouse là khoảng 120 triệu đồng/m2, biệt thự liền kề từ 120 - 125 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Dự án Lotte Mall Tây Hồ (hay Lotte Mall West Lake Hanoi) có tổng diện tích sàn 354.000 m2, là tổ hợp thương mại đa tiện ích bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao, căn hộ dịch vụ cao cấp và văn phòng hạng A. Lotte Mall Tây Hồ là một trong những tổ hợp dự án đa dịch vụ mang tính chiến lược của tập đoàn Lotte tại Việt Nam có tổng số vốn đầu tư là 600 triệu USD. Nếu như khi mới thành lập (năm 1995) trên địa bàn quận mới có khoảng trên 40 doanh nghiệp thì ngày nay số doanh nghiệp đã tăng lên hơn 6.400 (tăng 160 lần); thu ngân sách trên địa bàn quận từ hơn 16 tỷ đồng năm 1996, đã tăng lên trên 2.500 tỷ đồng, gấp 152 lần vào năm 2023.
Bài và ảnh: Thảo Quyên