Phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi sẽ khắc phục vấn đề thiếu công bằng trong xét tuyển
Phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi sẽ khắc phục vấn đề thiếu công bằng trong xét tuyển là nội dung được quy định trong Công văn 4606/BGDĐT-GDĐH năm 2024.
Phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi sẽ khắc phục vấn đề thiếu công bằng trong xét tuyển (Hình từ Internet)
Ngày 23/8/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 4606/BGDĐT-GDĐH thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm.
Phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi sẽ khắc phục vấn đề thiếu công bằng trong xét tuyển
Theo đó, để thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề nghị các đại học, học viện, trường đại học, các trường cao đẳng sư phạm thực hiện nhiệm vụ giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm năm học 2024 - 2025 với các nội dung được quy định cụ thể trong Công văn 4606/BGDĐT-GDĐH năm 2024 như sau:
- Hoàn thành công tác tuyển sinh năm 2024 theo đúng quy định; hoàn thiện các phương thức tuyển sinh từ 2025 bảo đảm chất lượng và công bằng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục phổ thông:
+ Hoàn thành công tác tuyển sinh năm 2024 theo kế hoạch chung, bảo đảm thực hiện chỉ tiêu và phương thức đã công bố trong Đề án, phù hợp với quy chế của Bộ GDĐT và của cơ sở đào tạo; kiểm soát chặt chẽ rủi ro và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ và kịp thời theo quy định.
+ Hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển; bảo đảm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đồng thời có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong giáo dục phổ thông.
+ Các cơ sở đào tạo có ngành đào tạo giáo viên chủ động làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề xuất với cơ quan quản lý trực tiếp về việc giao nhiệm vụ đào tạo, đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng dẫn của Bộ GDĐT để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định 71/2020/NĐ-CP và Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng tại cơ sở đào tạo, thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát:
+ Chuẩn bị dữ liệu, triển khai đánh giá các tiêu chí, báo cáo theo chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định tại Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT.
+ Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý chất lượng, phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và xây dựng văn hóa chất lượng theo Quyết định 78/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện kiểm định chương trình đào tạo đối với các ngành, chương trình mở mới (bao gồm cả các chương trình liên kết đào tạo quốc tế) ngay sau khi có khóa đầu tiên tốt nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục đại học 2012.
+ Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện đầy đủ trách nhiệm công khai hoạt động của cơ sở giáo dục đại học theo quy định tại Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT và các quy định pháp luật khác có liên quan; bảo đảm các thông tin công khai chính xác, nhất quán với thông tin cập nhật trên hệ thống HEMIS.
+ Tiếp tục kiện toàn tổ chức thanh tra nội bộ hoặc bố trí cán bộ làm công tác thanh tra nội bộ theo quy định tại Nghị định 43/2023/NĐ-CP của Chính phủ; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm học 2024-2025 theo đúng quy định pháp luật và hướng dẫn của Bộ GDĐT.
+ Tiếp tục kiện toàn tổ chức pháp chế hoặc bố trí cán bộ làm công tác pháp chế theo quy định tại Nghị định 56/2024/NĐ-CP của Chính phủ; xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch công tác pháp chế năm học 2024-2025 theo đúng quy định pháp luật và hướng dẫn của Bộ GDĐT. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp Chương trình kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật giai đoạn 2023 – 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
+ Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo thống kê giáo dục, báo cáo định kỳ trên hệ thống HEMIS đúng thời hạn, đầy đủ, chính xác nội dung theo quy định; tăng cường ứng dụng công nghệ, nhất là các công cụ phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra.
+ Nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về quản lý thu chi tài chính, quản lý đầu tư, mua sắm, quản lý sử dụng tài sản công trong các cơ sở đào tạo;
+ Triển khai đánh giá mức độ chuyển đổi số theo Quyết định 4740/QĐ- BGDĐT năm 2022 của Bộ GDĐT ban hành Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học.
Xem thêm Công văn 4606/BGDĐT-GDĐH ban hành ngày 23/8/2024.