Thương mại: Nhìn về một tương lai tươi sáng
Bất ổn vẫn còn đó, nhưng vẫn luôn có cơ hội tìm kiếm các giải pháp thay thế.
LTS: Ông Surajit Rakshit, Giám đốc Khối Giải pháp Thương mại Toàn cầu, HSBC Việt Nam vừa có bài viết về Thương mại toàn cầu, chúng tôi xin đăng tải nguyên văn bài viết để quý độc giả tiện theo dõi.
Triển vọng thương mại toàn cầu
2023 qua đi và để lại nhiều trở ngại cho nền kinh tế toàn cầu. Cả thế giới bước vào năm 2024 với những thách thức phủ bóng như tăng trưởng suy giảm, lạm phát gia tăng, bất ổn địa chính trị và gián đoạn thương mại (như vấn đề Biển Đỏ và kênh đào Panama). Những khó khăn này kéo theo các biện pháp bảo hộ ở một số thị trường, từ đó gây trở ngại cho tự do thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, năm 2024 không chỉ toàn là sắc xám. Mặc cho những thách thức ban đầu, gần đây thương mại toàn cầu đã có các dấu hiệu cải thiện. Trong khi Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) kỳ vọng thương mại toàn cầu sẽ đạt gần 32 nghìn tỷ đô la Mỹ trong năm nay nếu xu hướng tích cực vẫn tiếp diễn, thì Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) mới nhất của IMF dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2024 có thể đạt 3% trước khi tăng 3,3% vào năm tới.
Sự phục hồi của thương mại thế giới cũng giúp nhu cầu tăng trở lại ở nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam. Khi khu vực ASEAN mạnh mẽ và kiên cường có khả năng chống chọi với những cơn gió ngược địa chính trị nhờ mức độ tự do thương mại trong khu vực đầy hấp dẫn, Việt Nam, vốn là quốc gia xuất khẩu quan trọng đến các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU,... đã chứng kiến nhu cầu và các đơn hàng xuất khẩu tăng. Không chỉ riêng điện tử mà sự phục hồi cũng bắt đầu lan dần đến các lĩnh vực khác. Xuất khẩu dệt may và da giày đã trở lại mức tăng trưởng hai chữ số trong quý 2. Xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm tăng 15,7%, với thặng dư thương mại đạt 14,08 tỷ đô la Mỹ. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế đã tăng lên 54,7 vào tháng 6 và tháng 7, đây là mức cao nhất trong hai năm qua.
Thách thức đối với các nhà xuất khẩu
Mặc dù thương mại toàn cầu cho thấy tín hiệu tích cực về tăng trưởng trong năm nay, song vẫn còn những lo ngại lẩn khuất đâu đây. Sau những bất ổn của đại dịch và căng thẳng địa chính trị, doanh nghiệp xuất khẩu đã trải qua một năm 2023 đầy thách thức, khiến họ lo lắng và do dự hơn. Những bất ổn kéo dài sang năm 2024 buộc doanh nghiệp phải quan sát thận trọng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định táo bạo nào.
Xuất khẩu cải thiện, đồng nghĩa với việc có nhiều đơn hàng hơn, các doanh nghiệp cũng gia tăng sản xuất. Tuy nhiên, FED vẫn đang áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ với lãi suất cao và tỷ giá tăng. Điều này tạo ra một số trở ngại cho các nhà sản xuất trong nước, khi họ phải nhập khẩu nguyên liệu, máy móc và thiết bị với giá cao hơn, dẫn đến việc tăng chi phí hoạt động, nhưng lại khó mà điều chỉnh giá bán do mức độ cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Mặt khác, mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu có thể hưởng một số lợi ích khi tỷ giá cao, nhưng hoạt động sản xuất của chính họ vẫn phải chịu chi phí nhập khẩu tăng, vì các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu thô. Tình hình này có thể thay đổi khi FED có kế hoạch cắt giảm lãi suất sớm, giúp giảm bớt một số lo ngại. Đây cũng là vấn đề mà chúng ta cần theo dõi chặt chẽ trong vài tháng tới.
Cơ hội tối ưu hóa vốn lưu động
Trước những thách thức này, chúng tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp khi xây dựng chiến lược hàng năm đã tính đến rủi ro tỷ giá, dựa trên đặc điểm kinh doanh cụ thể của mình. Sự chuẩn bị này có thể giúp họ giảm thiểu những biến động tỷ giá hai chiều, từ đó, hạn chế những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với hoạt động của doanh nghiệp. Để phòng ngừa rủi ro tỷ giá khi thực hiện thanh toán hoặc nhận các khoản phải thu bằng ngoại tệ, các doanh nghiệp nên cân nhắc các công cụ phòng ngừa hợp pháp như hợp đồng kỳ hạn, hoán đổi tiền tệ để chủ động quản lý dòng tiền và chi phí.
Doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm sự tư vấn của các ngân hàng, từ đó chọn cho mình giải pháp phù hợp nhất cho từng nhu cầu cụ thể, tình hình kinh doanh cũng như tình trạng tài chính. Hiện nay, có một số giải pháp phổ biến và hiệu quả mà doanh nghiệp có thể tận dụng. Lấy ví dụ như giải pháp tài trợ chuỗi cung ứng và giải pháp tài trợ khoản phải thu của HSBC. Giải pháp đầu tiên cho phép các doanh nghiệp yêu cầu HSBC thanh toán sớm cho các hóa đơn được chấp thuận từ những nhà cung ứng chính của mình. Giải pháp này hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa các điều khoản thanh toán theo thỏa thuận với nhà cung cấp, tăng tính thanh khoản, gia tăng hiệu quả của quá trình thanh toán từ đó giảm chi phí chuỗi cung ứng. Mặt khác, với giải pháp tài trợ khoản phải thu, HSBC có thể ứng trước cho doanh nghiệp bán hàng đến 90% giá trị hóa đơn nếu đủ điều kiện. Giải pháp tài trợ khoản phải thu giúp khách hàng của HSBC có thêm thanh khoản và tăng khả năng kiểm soát nợ xấu, đồng thời có quyền lựa chọn linh hoạt cấu trúc truy đòi hạn chế cũng như cải thiện bảng cân đối kế toán. HSBC hiện đang cung cấp bộ đôi giải pháp này tại hơn 50 thị trường trên toàn cầu, giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa nhu cầu vốn lưu động của họ.
Bất ổn vẫn còn đó, nhưng vẫn luôn có cơ hội tìm kiếm các giải pháp thay thế. Triển vọng thương mại toàn cầu tươi sáng đối với các doanh nghiệp sẵn sàng thích nghi và đón đầu trong việc tìm kiếm các giải pháp cải tiến, giúp họ tạo ra hiệu quả và hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng kinh doanh của mình.