Đề xuất cho doanh nghiệp tư nhân tham gia dự trữ xăng dầu quốc gia

Theo Hoàng Tú 26/08/2024 11:28

Trong khi chưa có đủ tiềm lực để xây dựng kho dự trữ quốc gia (DTQG) xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia hoạt động DTQG; đồng thời cho biết chỉ đề xuất nâng tổng mức dự trữ lên khi có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật DTQG xăng dầu mới.

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương liên quan đến công tác xây dựng kho dự trữ xăng dầu quốc gia cho thấy, đây là vấn đề phức tạp, liên quan nhiều Bộ, ngành. Bộ Công Thương cũng đã tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nhằm tách bạch giữa hàng DTQG và hàng dự trữ lưu thông của doanh nghiệp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho dự trữ xăng dầu, cũng như giúp việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng được thuận lợi.

Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ trên đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và Bộ Công Thương đã có báo cáo tại Văn bản số 318/BC-CP ngày 14/6/2024 về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay thuộc lĩnh vực Công Thương.

Bộ Công Thương cũng cho biết thêm, từ tháng 8/2023 đến nay, Bộ đã gửi 5 văn bản trình Thủ tướng Chính phủ để báo cáo, xin chỉ đạo về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác bảo quản xăng dầu DTQG. Tại các văn bản nêu trên, Bộ Công Thương đã đề xuất các giải pháp trong ngắn hạn để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác DTQG xăng dầu.

Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất thống nhất chủ trương cho phép Bộ Công Thương tiếp tục ký hợp đồng với các doanh nghiệp đang bảo quản xăng dầu DTQG như đã thực hiện trước đây, hàng DTQG được bảo quản chung với hàng kinh doanh cho đến khi có kho DTQG xăng dầu riêng hoặc đủ điều kiện để lựa chọn doanh nghiệp thuê bảo quản riêng xăng dầu DTQG theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến việc thực hiện xuất, nhập, luân phiên đổi hàng xăng dầu DTQG trong thời gian tới, Bộ cũng đề xuất giao cho Bộ Công Thương rà soát, đánh giá về công tác nhập, xuất, luân phiên, đổi hàng xăng dầu DTQG theo các quy định hiện hành trong những năm qua, trên cơ sở đó đề xuất phương thức thực hiện nhập, xuất, luân phiên, đổi hàng đối với mặt hàng xăng dầu DTQG, bảo đảm khả thi, phù hợp với đặc thù của mặt hàng xăng dầu, báo cáo Bộ Tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết định.

Ngoài ra, đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ Tài chính chủ trì, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc ban hành Quy chuẩn DTQG xăng dầu để có đủ cơ sở thực hiện việc bảo quản riêng xăng dầu DTQG.

Về phương hướng xử lý trong dài hạn, Bộ Công Thương đề nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật DTQG mặt hàng xăng dầu phù hợp với yêu cầu thực tiễn và bảo đảm đồng bộ giữa chính sách dự trữ quốc gia xăng dầu với các chính sách có liên quan; Thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án DTQG dầu thô và sản phẩm xăng dầu giai đoạn 2024 - 2030; Nâng cao năng lực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ bảo quản hàng DTQG xăng dầu;

Đáng chú ý, Bộ Công Thương đề xuất mở rộng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực trong xã hội, khuyến khích khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu “đưa hệ thống cơ sở vật chất đã được đầu tư theo quy hoạch đủ điều kiện được thuê bảo quản DTQG xăng dầu riêng”, cùng tham gia nhận hợp đồng thuê bảo quản DTQG xăng dầu riêng nhằm kịp thời đáp ứng mục tiêu nâng công suất sức chứa trong thời gian chờ hoàn thành các dự án DTQG dầu thô và sản phẩm xăng dầu giai đoạn 2024 - 2030 theo danh mục trong Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Bộ Công Thương khẳng định, sau khi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Định mức kinh tế - kỹ thuật DTQG xăng dầu mới được ban hành, căn cứ vào khả năng đáp ứng kho bể cũng như tiến độ, kế hoạch đầu tư xây dựng kho bảo quản xăng dầu DTQG theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ nâng tổng mức DTQG xăng dầu.

Theo Hoàng Tú