F0 tăng mạnh, học sinh nhiều nơi chuyển học trực tuyến từ hôm nay
SKĐS - Số ca mắc COVID-19 là học sinh và giáo viên tăng nhanh khiến nhiều địa phương trên cả nước đã phải tạm dừng việc cho học sinh đến trường, chuyển hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến.
Phú Thọ: Học sinh tiểu học, THCS học trực tuyến từ hôm nay
Để đảm bảo an toàn cho học sinh trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Phú Thọ yêu cầu UBND các huyện, thị, thành chỉ đạo, tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục tiểu học, THCS từ ngày 21/2 cho đến khi có thông báo mới.
Đối với giáo dục mầm non, căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 và điều kiện thực tế, các cơ sở giáo dục tiếp tục phối hợp với phụ huynh để thống nhất phương án chăm sóc trẻ đảm bảo an toàn; tạo điều kiện để phụ huynh tham gia lao động, sản xuất.
Ở cấp học giáo dục THPT và giáo dục thường xuyên, căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 và điều kiện thực tế, Sở GD&ĐT phối hợp với UBND các huyện, thị, thành chỉ đạo các đơn vị quyết định hình thức dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến đối với từng lớp, khối lớp hoặc toàn trường cho phù hợp.
UBND tỉnh Tuyên Quang vừa có văn bản về việc điều chỉnh phương án tổ chức dạy học theo đề nghị của Sở GD&ĐT.
Theo đó, đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Sơn Dương, Yên Sơn và TP. Tuyên Quang cho trẻ em mầm non nghỉ học từ hôm nay (21/2) cho đến khi có thông báo mới; học sinh phổ thông, giáo dục thường xuyên học trực tuyến, riêng đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 tổ chức kết hợp vừa dạy học trực tiếp và trực tuyến.
Quảng Ninh: Trẻ mầm non tạm nghỉ học từ 21-25/2
Những ngày qua, tỉnh Quảng Ninh ghi nhận hàng nghìn ca F0 mỗi ngày, trong đó, số F0 là học sinh và giáo viên tăng nhanh. Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch và phòng chống rét đậm, rét hại, tỉnh Quảng Ninh tạm thời cho trẻ mầm non nghỉ học từ 21/2 đến hết 25/2.
Tuy nhiên, lưu ý các cơ sở giáo dục mầm non, khi thông báo chủ trương này đến cha mẹ/phụ huynh trẻ cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của cha mẹ/phụ huynh trẻ, nếu gia đình trẻ nào do không có người chăm sóc, trông coi trẻ ở nhà và có nguyện vọng vẫn đưa trẻ đến trường thì cơ sở giáo dục phải bố trí đón trẻ đến trường và tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ đảm bảo an toàn.
Đối với cấp Tiểu học sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa bàn và trong cơ sở giáo dục của đơn vị mình, Hiệu trưởng xem xét và quyết định tạm thời cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tiếp sang học trực tuyến từ 21/2 đến hết 25/2 để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch và phòng chống rét đậm, rét hại.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, TP. Buôn Ma Thuột quyết định cho học sinh mầm non, tiểu học, lớp 6 chuyển sang học trực tuyến từ ngày 21/2.
Để thích ứng an toàn, kiểm soát dịch hiệu quả trong các trường học khi tổ chức dạy học trực tiếp, thành phố Buôn Ma Thuột yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức rà soát điều chỉnh phương án phòng, chống dịch trong trường học phù hợp với tình hình thực tế và diễn biến dịch đang xảy ra; chủ động thích ứng nhưng không chủ quan lơ là, buông lỏng quản lý.
Các đơn vị, cơ quan phối hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp trong xử lý tình huống phát hiện F0, F1 trong nhà trường; tổ chức tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh các quy định về phòng, chống dịch để tạo sự đồng thuận, chung tay trong công tác phòng, chống dịch.
Giáo viên, phụ huynh, học sinh chủ động theo dõi, kiểm tra sức khỏe nếu có các dấu hiệu nghi ngờ mắc COVID-19 phải phải báo ngay cho ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm biết để phân công dạy trực tuyến và thực hiện cách ly tại nhà theo quy định, không được đến trường.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các trường Tiểu học, THCS chuyển trạng thái sang học trực tuyến từ 21/2 cho đến khi có thông báo mới
BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các huyện, thành phố của Vĩnh Phúc chủ động phối hợp với ngành Y tế, GD&ĐT rà soát, đánh giá mức độ lây lan dịch bệnh trong trường học để quyết định hình thức tổ chức dạy học đảm bảo an toàn cho học sinh và phù hợp nguyện vọng của phụ huynh.
Tuy nhiên, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn cho các trường mầm non tiếp tục mở cửa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh học sinh, tạo điều kiện để phụ huynh tham gia lao động, sản xuất.
Để bảo đảm và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, sớm giảm nhanh các ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh Lào Cai đã quyết định tạm dừng việc tổ chức dạy và học trực tiếp đối với tất cả các cấp học trên địa bàn TP. Lào Cai (mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp) kể từ 19/2 cho đến khi có thông báo mới.
Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng vừa có công văn đề nghị các quận huyện, cơ sở giáo dục trên địa bàn triển khai kế hoạch đảm bảo sức khỏe và phòng chống rét đậm rét hại cho học sinh. Theo đó, bậc tiểu học, mầm non được nghỉ học khi nhiệt độ dưới 10 độ C. Học sinh THCS được nghỉ học khi nhiệt độ dưới 7 độ C.
Phụ huynh học sinh, thủ trưởng các đơn vị giáo dục chủ động theo dõi thông tin về nhiệt độ ngoài trời khu vực thành phố, bản tin dự báo thời tiết để căn cứ quyết định cho học sinh nghỉ học.
Trước đó, Hà Nội cũng có công văn hỏa tốc về việc tạm dừng kế hoạch đón học sinh từ lớp 1-6 trở lại trường vào ngày 21/2 do các ca nhiễm COVID-19 trong trường học tăng và diễn biến xấu của thời tiết cho đến khi có thông báo mới. Cùng với đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có định hướng trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn các phòng GD&ĐT, nhà trường trong việc tổ chức dạy học trực tiếp trong tuần tới.
Theo ĐV/SK&ĐS
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/f0-tang-manh-hoc-sinh-nhieu-noi-chuyen-hoc-truc-tuyen-tu-hom-nay-169220220085449106.htm