Nghỉ lễ Quốc khánh 2/9: Ra vào Hà Nội như thế nào để tránh ùn tắc?

27/08/2024 09:41

Nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại người dân, hạn chế ùn tắc tại các cửa ngõ Thủ đô dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Sở GTVT Hà Nội đã thông báo tổ chức phân luồng giao thông.

Tăng cường 53 xe buýt trên 33 tuyến 

Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội vừa thông tin về kế hoạch tổ chức phục vụ vận tải hành khách công cộng trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 31/8 đến hết ngày 3/9).

Theo đó, đơn vị này dự báo trong ngày đầu và ngày cuối kỳ nghỉ lễ, lưu lượng hành khách sẽ tăng khoảng 25 - 30% so với ngày thường. Trong các ngày nghỉ lễ, lưu lượng hành khách duy trì ở mức ổn định.

Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, 2 tuyến Metro ở Hà Nội sẽ mở bến từ 5h30, đóng bến lúc 22h. Ảnh: N. Huyền 

Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, 2 tuyến Metro ở Hà Nội sẽ mở bến từ 5h30, đóng bến lúc 22h. Ảnh: N. Huyền 

Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh, xe buýt sẽ hoạt động theo biểu đồ ngày thường, tần suất chạy xe 7 - 20 phút/lượt.

Trong đó, các ngày 31/8, 2/9 và 3/9 thời gian mở bến từ 4h45, đóng bến lúc 22h30 với 17.945 lượt xe hoạt động/ngày. Riêng ngày 1/9 mở bến từ 5h, đóng bến lúc 22h với 17.485 lượt xe/ngày.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ thực hiện theo biểu đồ ngày cuối tuần, lễ, Tết. Thời gian mở bến từ 5h30, đóng bến lúc 22h với 203 lượt tàu chạy/ngày, tần suất 10 phút/lượt.

Đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội cũng sẽ thực hiện theo biểu đồ ngày cuối tuần, lễ, Tết. Thời gian mở bến từ 5h30, đóng bến lúc 22h với 200 lượt tàu chạy/ngày, tần suất 10 phút/lượt.

Ngoài ra, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội cũng xây dựng phương án tăng cường 53 xe buýt trên 33 tuyến với tổng cộng 104 lượt xe, tập trung vào các tuyến kết nối với các bến xe đầu mối như: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm, Yên Nghĩa; ga Hà Nội; sân bay Nội Bài; các khu đô thị…

Ra vào thành phố như thế nào tránh ùn tắc?

Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Sở GTVT cũng đã thông báo phân luồng tổ chức giao thông trong dịp này.

Nút giao Pháp Vân- Cầu Giẽ thường ùn tắc nghiêm trọng trong những dịp lễ, Tết. Ảnh: Đình Hiếu

Nút giao Pháp Vân- Cầu Giẽ thường ùn tắc nghiêm trọng trong những dịp lễ, Tết. Ảnh: Đình Hiếu

Cụ thể, các người dân từ TP Hà Nội đi các tỉnh phía Nam có thể đi theo các hướng: 

Trung tâm Hà Nội đi nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Hoặc từ trung tâm Hà Nội đi QL1 cũ: Giải Phóng - Ngọc Hồi - QL1 vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tại nút giao Vạn Điểm; nút giao Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên).

Từ trung tâm đi theo QL6 (trục Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung) - ngã ba Ba La đi QL21B - QL38 để ra QL1 cũ (nút giao Đồng Văn) hoặc vào nút giao Vực Vòng đi cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. 

QL6 (trục Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung) - rẽ trái đi đường Phùng Hưng - đến đường trục phía Nam - rẽ trái đường tỉnh 427B - ra ga Thường Tín để vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. 

QL6 đi thị trấn Xuân Mai - đi đường Hồ Chí Minh - QL21B.

Người dân từ các tỉnh phía Nam đi về TP Hà Nội có thể đi theo các hướng: 

Tại nút giao Liêm Tuyền trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi tỉnh lộ 494 - QL21B - QL6 (ngã ba Ba La, Hà Đông). 

Tại nút giao Vực Vòng trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi theo 2 hướng sau: Rẽ trái đi QL38 – QL21B – QL6 (ngã ba Ba La, Hà Đông); rẽ phải đi QL38 – qua cầu Yên Lệnh – QL39A – đường tỉnh 379 – nút giao với đường Vành đai 3 (cầu Thanh Trì).

Tại nút giao Vạn Điểm: rẽ trái đi QL1 - Đường tỉnh 429 - QL21B - QL6 (ngã ba Ba La, Hà Đông). Tại nút giao Thường Tín: đi Đường tỉnh 427 - đến đường trục phía Nam - Đường Phùng Hưng (Hà Đông).

Người dân từ TP Hà Nội đi các tỉnh phía Đông Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn...) và ngược lại có thể đi theo các hướng: Đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Cầu Nhật Tân - Võ Nguyên Giáp - QL18 đi cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Cầu Chương Dương - Nguyễn Văn Cừ - Hà Huy Tập - Ngô Gia Tự - cầu Đuống - đi cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.

Người dân từ TP Hà Nội đi các tỉnh phía Tây Bắc (Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái...) và ngược lại có thể đi theo các hướng: Cầu Thăng Long - Võ Văn Kiệt - QL2 vào cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

Cầu Thăng Long - Tỉnh lộ 23 - đường Mê Linh đi QL2. Cầu Thăng Long - cầu vượt Nam Hồng - tỉnh lộ 23 - quốc lộ 2 - đường tỉnh 310B đi cao tốc Hà Nội - Lào Cai. QL3 - đường tỉnh 296 - vào cao tốc Hà Nội - Lào Cai. QL32 đi Phú Thọ.

Người dân từ TP Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc (Hòa Bình, Sơn La...) và ngược lại có thể đi theo các hướng: Đại lộ Thăng Long - đường Tản Lĩnh - Yên Bài - cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình. Hoặc đi theo hướng QL6 - thị trấn Xuân Mai - Hòa Bình.