TP HCM lập đề án nắn dòng kiều hối
Kiều hối là một trong những nguồn lực vàng góp phần tăng trưởng kinh tế TP HCM cũng như cả nước.
Đề án về chính sách kiều hối trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2024 - 2030 vừa được Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM thông qua. Đề án được xây dựng với tinh thần không can thiệp bằng biện pháp hành chính vào chuyển và nhận kiều hối, định hướng nguồn lực này vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh… Hiện các đơn vị đang hoàn chỉnh nội dung để trình UBND TP HCM sớm ban hành đề án.
Tăng cung ngoại tệ
Ông Trần Minh Khoa, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty kiều hối Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank-SBR), cho biết trong 7 tháng đầu năm nay, kiều hối về Việt Nam qua hệ thống này tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nguồn thu ngoại tệ từ kiều bào và người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại nhiều nước gửi về, chủ yếu là để hỗ trợ người thân hoặc tích lũy. "Điểm đặc biệt là dòng ngoại tệ này chỉ lưu chuyển một chiều, ổn định và gián tiếp thúc đẩy tiêu dùng, phát triển kinh tế, tăng nguồn vốn tiết kiệm, giúp giảm rủi ro huy động vốn cũng như giảm phụ thuộc vào nguồn vốn ngoại tệ nước ngoài. Kiều hối còn giúp đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế, từ đó góp phần giảm áp lực tỉ giá" - ông Khoa nói.
Nguồn kiều hối cùng với các nguồn vốn khác trở thành nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước và TP HCM nói riêng.
Thông tin tại "Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4" mới đây, lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết những năm qua, kiều bào trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Thống kê cho thấy trong hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về nước đạt khoảng 230 tỉ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ.
Riêng tại TP HCM, số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM trong nửa đầu năm 2024 cho thấy lượng kiều hối đạt 5,17 tỉ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong bối cảnh đó, TP HCM đã xây dựng đề án về kiều hối, nội dung chủ yếu là phát huy vai trò kiều hối, thu hút kiều hối và sử dụng hiệu quả nguồn lực.
Để đón đầu làn sóng kiều hối chảy về khi đề án được triển khai, đại diện Sacombank-SBR cho biết công ty đã tăng cường đầu tư vào công nghệ thiết lập hệ thống đạt tiêu chuẩn về an toàn bảo mật để kết nối hệ thống với hầu hết đối tác nhằm cung ứng dịch vụ chuyển tiền với chất lượng dịch vụ tốt nhất. Chỉ trong vài chục giây, người nhận kiều hối từ nước ngoài sẽ nhận được tiền vào tài khoản khi kiều bào, người Việt lao động ở nước ngoài chuyển về.
Nghiên cứu phát hành trái phiếu cho kiều bào
Ông Võ Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank), chia sẻ ngân hàng đang nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách liên quan các chương trình tài chính dành cho kiều bào. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tiết giảm chi phí, bảo đảm an toàn. Các phương án kinh doanh từ xây dựng, kết nối các ứng dụng, cung cấp các giải pháp thanh toán kênh kết nối kiều hối, quản lý dòng tiền, quản lý nguồn vốn đầu tư, kết nối các nhà đầu tư nước ngoài, kiều bào cũng được ngân hàng đẩy mạnh… "Ngân hàng tích cực xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc thù đối với doanh nghiệp kiều bào đầu tư về Việt Nam liên quan các lĩnh vực xanh và số như công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tín chỉ carbon; kiều bào đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng, kiều bào hồi hương" - ông Võ Hoàng Hải nói.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích kiều hối đổ về Việt Nam được sử dụng chủ yếu cho tiêu dùng trong nước và đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, công nghiệp và nông nghiệp. Kiều hối chưa được sử dụng để tài trợ và phát triển hạ tầng cơ sở tại Việt Nam, trong khi hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không, đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác ngày một xuống cấp, cần hiện đại hóa và cần được đầu tư mạnh mẽ…
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, với khoảng 5,5 triệu kiều bào trên thế giới và tổng thu nhập hằng năm hơn 100 tỉ USD, tức bằng 1/4 GDP của Việt Nam nhưng năm 2023, kiều hối chuyển về Việt Nam chỉ khoảng 16 tỉ USD. Do đó, tiềm năng thu hút kiều hối còn rất lớn. "Hiện ngân hàng trả lãi suất tiền gửi USD ở mức 0% nên kiều bào không mặn mà gửi tiết kiệm. Vì vậy, theo tôi, cần nghiên cứu một kế hoạch phát hành trái phiếu cho kiều bào ở những nước có thu nhập cao để đóng góp cho sự phát triển của TP HCM" - TS Hiếu nói.
Thống kê để nắn dòng kiều hối?
Trước đây, Việt Nam có thống kê số lượng, tỉ lệ dòng kiều hối chảy vào các lĩnh vực, cụ thể từ sản xuất - kinh doanh, bất động sản, tiêu dùng... Nhưng vài năm nay, các con số chỉ cho thấy lượng kiều hối chảy về Việt Nam, chứ không rõ dòng kiều hối đang đi đâu. Vậy có nên nghiên cứu, thống kê lại dòng kiều hối để có giải pháp nắn dòng phù hợp?
Theo Sacombank-SBR, với vai trò đơn vị cung ứng dịch vụ, công ty chỉ thực hiện yêu cầu gửi và nhận kiều hối của khách hàng. Dòng tiền sau khi được giao đến người nhận sẽ được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau theo nhu cầu của từng cá nhân - từ tiêu dùng, đầu tư sản xuất - kinh doanh, tiết kiệm, tích lũy... - rất khó để thống kê.
Ông Trần Minh Khoa cho rằng nếu thống kê dòng chảy kiều hối, cần thực hiện khảo sát người nhận trên tinh thần tự nguyện và phải được thực hiện bởi các tổ chức độc lập chuyên nghiệp về thống kê. Từ đó sẽ giúp hiểu rõ thêm dòng kiều hối được sử dụng vào những mục đích gì, giúp cơ quan quản lý có các chính sách phù hợp và xây dựng các cơ chế để thu hút nắn dòng kiều hối của người nhận vào một số mục đích cụ thể, có lợi và trên tinh thần tự nguyện là việc cần thiết.
Nếu có thống kê cụ thể, các đơn vị cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý sẽ xây dựng chính sách phục vụ và thu hút ngày càng nhiều hơn nguồn lực kiều hối trong tương lai.
(Còn tiếp)