Hướng dẫn xác định chi phí bảo vệ phát triển đất trồng lúa
Bộ Xây dựng có văn bản trả lời vướng mắc về chi phí bảo vệ phát triển đất trồng lúa.
Bộ Xây dựng hướng dẫn về chi phí bảo vệ phát triển đất trồng lúa
Ngày 29/7/2024, Bộ Xây dựng có Công văn 4297/BXD-KTXD hướng dẫn về chi phí bảo vệ phát triển đất trồng lúa, cụ thể như sau:
(1) Về xác định chi phí bảo vệ phát triển đất trồng lúa
Các nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng đã được quy định cụ thể tại Luật Xây dựng, các Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng qua các thời kỳ.
Theo đó, chi phí đầu tư xây dựng phải được tính đúng, tính đủ theo từng dự án, công trình,....
Tại Nghị định 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, đã làm rõ chi phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa được tính vào chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong tong mức đầu tư xây dựng của dự án.
Như vậy, đối với dự án đầu tư xây dựng, chi phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng.
Trường hợp tính thiếu hoặc chưa tính chi phí này trong tổng mức đầu tư thì cần xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan theo quy định của pháp luật; đồng thời căn cứ các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật khác có liên quan, nguồn vốn của dự án và giai đoạn thực hiện dự án để báo cáo người quyết định đầu tư tính toán bổ sung chi phí này trong tổng mức đầu tư (nếu được phép bổ sung và thuộc các trường hợp được điều chỉnh tổng mức đầu tư theo quy định, bao gồm cả chi phí chậm nộp nếu có).
Đối với các dự án đầu tư xây dựng đã hoàn thành, đề nghị UBND thành phố Hà Nội xin ý kiến của Bộ Tài chính để được hướng dẫn xác định chi phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.
(2) Về tiền chậm nộp khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa
Theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa:
Trường hợp chậm nộp khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa thì người được giao đất, cho thuê đất sẽ phải nộp thêm tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Vì vậy, đề nghị UBND thành phố Hà Nội tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn xác định tiền chậm nộp.
Hướng dẫn xác định chi phí bảo vệ phát triển đất trồng lúa (Hình từ internet)
Đất trồng lúa là gì?
Đất trồng lúa là đất có các điều kiện phù hợp để trồng lúa, bao gồm đất chuyên trồng lúa nước và đất trồng lúa khác.
Đất chuyên trồng lúa nước là đất trồng được hai vụ lúa nước trở lên trong năm.
Đất trồng lúa khác bao gồm đất trồng lúa nước còn lại và đất trồng lúa nương.
Đất trồng lúa nước còn lại là đất chỉ phù hợp trồng được một vụ lúa nước trong năm.
(Căn cứ Điều 3 Nghị định 35/2015/NĐ-CP)
Thủ tục nộp tiền bảo vệ đất trồng lúa khi chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước sang mục đích phi nông nghiệp
Tại Điều 5a Nghị định 35/2015/NĐ-CP (được bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 62/2019/NĐ-CP) quy định về thủ tục nộp tiền bảo vệ đất trồng lúa khi chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước sang mục đích phi nông nghiệp như sau:
(1) Việc nộp tiền bảo vệ đất trồng lúa thực hiện theo quy định tại khoản (2), (3), (4) được thực hiện là một thành phần của bộ hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai.
(2) Người được nhà nước giao đất, cho thuê đất lập bản kê khai diện tích đất chuyên trồng lúa nước được nhà nước giao, cho thuê theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP gửi tới cơ quan tài nguyên và môi trường đề nghị xác định diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa.
- Trường hợp bản kê khai không hợp lệ, trong thời gian 03 ngày làm việc, cơ quan tài nguyên và môi trường phải hướng dẫn cho người được nhà nước giao đất, cho thuê đất bổ sung, hoàn thiện và nộp lại bản kê khai.
- Trường hợp bản kê khai hợp lệ, trong 05 ngày làm việc, cơ quan tài nguyên và môi trường có văn bản xác nhận rõ diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa gửi đến người được nhà nước giao đất, cho thuê đất làm căn cứ để xác định số tiền phải nộp.
(3) Người được nhà nước giao đất, cho thuê đất gửi hồ sơ đến cơ quan tài chính của địa phương đề nghị xác định số tiền nộp bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị xác nhận số tiền phải nộp theo mẫu quy định tại Phụ lục IV (đối với cơ quan, tổ chức) hoặc Phụ lục V (đối với hộ gia đình, cá nhân) ban hành kèm theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP; văn bản xác nhận diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa của cơ quan tài nguyên và môi trường.
- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời gian 03 ngày làm việc, cơ quan tài chính địa phương phải hướng dẫn cho người được nhà nước giao đất, cho thuê đất bổ sung, hoàn thiện và nộp lại hồ sơ.
- Trong thời gian 05 ngày làm việc, cơ quan tài chính địa phương căn cứ vào văn bản xác nhận diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp tiền của cơ quan tài nguyên và môi trường, xác định số tiền phải nộp theo quy định đối với diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp và thông báo cho người được nhà nước giao đất, cho thuê đất theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP.
(4) Cơ quan tài chính địa phương tổ chức thu khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Trường hợp quá thời hạn nộp theo công văn của cơ quan tài chính địa phương, người được nhà nước giao đất, cho thuê đất sẽ phải nộp thêm tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.