Người đàn ông ngoại quốc bị đột quỵ sau khi uống rượu
GĐXH – Bệnh nhân được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, tê bì chân tay, không đi lại được.
Ngày 27/8, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, các bác sĩ đơn vị này vừa cấp cứu thành công một bệnh nhân nước ngoài bị đột quỵ não.
Bệnh nhân là nam, 41 tuổi (người Hàn Quốc). Được biết, trước đó, sau khi uống rượu, người này cảm thấy đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, phát âm khó, mất thăng bằng. Nghĩ bị say rượu, người bệnh chỉ nghỉ ngơi tại nhà.
Sáng hôm sau, tình trạng diễn biến nặng hơn, chân tay tê bì, không đi lại được, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu.
Ngay khi vào Trung tâm Đột quỵ, người bệnh được thăm khám và chẩn đoán ban đầu là có tình trạng rung giật nhãn cầu, nhìn đôi, tê yếu 1/2 người phải, cơ lực 3-4/5. Người bệnh được chỉ định chụp cộng hưởng từ sọ não, kết quả cho thấy có hình ảnh nhồi máu não hành não phải.
Nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do tắc một nhánh mạch nhỏ của hệ tuần hoàn não. Người bệnh được chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não cấp hành não phải.
Người bệnh được điều trị nội khoa theo phác đồ dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc hạ mỡ máu, thuốc bảo vệ tế bào não…
Sau 4 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của người bệnh phục hồi tốt, hết rung giật nhãn cầu, hết nhìn đôi, liệt 1/2 người phải được cải thiện.
Hiện tại người bệnh đã có thể đi lại được với sự trợ giúp của người thân.
Không chủ quan với đột quỵ nhồi máu não
Theo BS. Phạm Thị Thanh Loan – Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, đột quỵ nhồi máu não xảy ra khi một cục máu đông (huyết khối) gây tắc nghẽn động mạch cung cấp máu cho não, làm dòng máu đột ngột giảm hoặc ngưng lưu thông đến một khu vực của não, tế bào não thiếu oxy và chết đi dẫn đến mất chức năng thần kinh tương ứng.
Các biến chứng của đột quỵ đặc biệt nguy hiểm, có thể dẫn đến liệt nửa người, sống thực vật, thậm chí gây tử vong.
Cũng theo BS Loan, người bệnh nhồi máu não nếu được đưa đến các cơ sở y tế trong thời gian từ 3,5 đến 4 giờ đầu sẽ có rất nhiều kỹ thuật và biện pháp điều trị hiệu quả như tiêu sợi huyết, can thiệp lấy huyết khối… đem lại cơ hội tái thông lòng mạch sớm, giúp cho tổn thương não được phục hồi sớm nhất và hạn chế các di chứng do tổn thương não gây ra.
Trong y khoa, thời gian vàng cấp cứu đột quỵ được xem là khung thời gian lý tưởng nhất để can thiệp, điều trị các nguyên nhân gây đột quỵ.
"Giờ vàng" trong cấp cứu đột quỵ nhồi máu não được khuyến cáo trong 3 – 4,5 giờ đầu (kể từ khi khởi phát dấu hiệu đột quỵ đầu tiên). Cấp cứu đột quỵ trong thời gian vàng có vai trò quan trọng trong cứu sống người bệnh, giúp hạn chế tối đa các biến chứng và người bệnh phục hồi nhanh.
Đặc biệt, BS Loan cho biết thêm, biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn có thể là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý như rối loạn tiền đình, rối loạn thần kinh mạn tính (đau nửa đầu), hoặc ảnh hưởng của rượu, bia, các chất kích thích… nên dễ gây tâm lý chủ quan, làm lỡ giờ vàng, để lại những di chứng nặng nề sau điều trị.
Vì vậy, khi gặp những dấu hiệu bất thường như trên, người bệnh cần đến các cơ sở y tế gần nhất có chuyên khoa điều trị đột quỵ để được thăm khám và điều trị trong giờ vàng để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, tránh được những biến chứng nguy hiểm.