Sự vươn mình của Đông Nam Á và dấu ấn ngân hàng Việt

Ánh Dương 27/08/2024 19:30

Trong TOP 200 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á của Fortune có 34 ngân hàng, riêng Việt Nam đóng góp 12 đại diện. Đây là dấu ấn rõ nét cho sự phát triển về quy mô và vị thế của thị trường tài chính Việt Nam trên bản đồ khu vực.

Những năm gần đây, Đông Nam Á trở thành điểm đến đầy tiềm năng của các nhà đầu tư trên thế giới. Theo báo cáo "Điều hướng gió mạnh: Triển vọng Đông Nam Á 2024-2034" do Angsana Council, Bain and Company và DBS thực hiện, trong thập kỷ tới, khu vực này có khả năng tăng trưởng nhanh hơn thập kỷ trước, với mức tăng trưởng GDP lớn hơn và tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao hơn Trung Quốc.

Tạp chí kinh doanh Fortune của Mỹ cũng cho rằng Đông Nam Á ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Sau đại dịch Covid-19, nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn trong Global 500 đã chuyển một phần chuỗi cung ứng của họ sang khu vực này.

"Với dân số trẻ và tổng dân số lên đến 680 triệu người, lạm phát thấp cùng tỷ giá ổn định, Đông Nam Á đang nổi lên như một thị trường đầy hấp dẫn", Fortune viết.

Trước sức hấp dẫn của Đông Nam Á, Fortune – tạp chí nổi tiếng với nhiều bảng xếp hạng uy tín – đã quyết định lần đầu tiên công bố Fortune Southeast Asia 500 (Fortune SEA 500). Theo Fortune, đây là 500 công ty lớn nhất, đại diện cho một Đông Nam Á năng động – khu vực đóng góp khoảng 4.000 tỷ USD vào GDP toàn cầu và đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

"Với danh sách này, chúng tôi hướng sự chú ý đến câu chuyện tăng trưởng ấn tượng của Đông Nam Á và các công ty lớn nhất đã thúc đẩy sự phát triển đa dạng nền kinh tế khu vực", ông Khoon-Fong Ang, Giám đốc Vận hành Fortune châu Á nói về lý do thực hiện bảng xếp hạng.

Nhìn vào Fortune SEA 500 có thể thấy các ngân hàng Việt đã đóng góp không nhỏ vào bức tranh tăng trưởng chung của Đông Nam Á. Trong số 200 doanh nghiệp dẫn đầu bảng xếp hạng có 34 ngân hàng góp mặt, riêng Việt Nam có 12 đại diện. Với mục tiêu trở thành những định chế tài chính hàng đầu khu vực, vươn tầm thế giới, các ngân hàng Việt Nam đã và đang mở rộng quy mô về vốn, tài sản và mạng lưới ra nước ngoài.

Trong đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) là một trong những ngân hàng tư nhân "xuất ngoại" thành công nhất. Không dừng lại tại Việt Nam, thương hiệu và uy tín của SHB đã hiện diện và lan tỏa trong khu vực ASEAN gồm Lào, Campuchia, Myanmar.

Về quy mô, SHB trong TOP 5 ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam, tổng tài sản của ngân hàng tính đến ngày 30/6/2024 là 659.767 tỷ đồng, vốn điều lệ ở mức 36.629 tỷ đồng. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, SHB đạt hơn 6.860 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 13% so với cùng kỳ và hoàn thành 61% kế hoạch năm. Ngân hàng cũng đang hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan quản lý, thực hiện thủ tục phát hành cổ tức 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 11%, dự kiến nâng vốn điều lệ lên 40.658 tỷ đồng.

Bên cạnh câu chuyện tăng trưởng, SHB cũng là ngân hàng tiên phong về hiệu quả hoạt động, với chỉ số CIR (tỷ lệ chi phí /thu nhập) ở mức thấp nhất hệ thống ngân hàng nhiều quý liên tiếp. Các hệ số an toàn vốn, quản trị rủi ro luôn tuân thủ tốt hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước, quản lý rủi ro thanh khoản theo chuẩn Basel II và Basel III.

Sự vươn mình của Đông Nam Á và dấu ấn ngân hàng Việt- Ảnh 1.

Trong hoạt động kinh doanh, SHB đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ tân tiến nhất nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm khách hàng. SHB là ngân hàng Việt Nam duy nhất giành cú đúp giải thưởng tại Lễ trao giải Digital CX Awards 2024 do Tạp chí The Digital Banker tổ chức với sự đồng hành đánh giá của các đối tác PwC, Deloitte, Forrester và Capco. Đây là hệ thống giải thưởng ghi nhận và tôn vinh những sáng kiến đổi mới, tiên phong trong dịch vụ trải nghiệm khách hàng kỹ thuật số trên hệ sinh thái tài chính toàn cầu.

Hai giải thưởng mà SHB được vinh danh là "Trải nghiệm trên nền tảng số nổi bật nhất - hạng mục Nền tảng quản lý dòng tiền" cho sản phẩm "Dịch vụ thu hộ qua tài khoản định danh Slink" và "Áp dụng công nghệ tốt nhất cho trải nghiệm số" với giải pháp "Hệ thống phê duyệt tín dụng tự động ACAS". Đặc biệt, hai giải pháp số trên đều được SHB tự nghiên cứu và triển khai trên nguồn lực và nhân sự nội bộ.

Với tiềm lực tài chính vững mạnh, nền tảng công nghệ hiện đại và hệ sinh thái sản phẩm/dịch vụ đa dạng, SHB đáp ứng được những tiêu chí khắt khe, trở thành đối tác đáng tin cậy của nhiều định chế tài chính hàng đầu thế giới như WB, IFC, ADB… Thông qua đó, ngân hàng bổ sung thêm nguồn lực quan trọng, xây dựng các chính sách đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Từ đầu năm đến nay, SHB liên tục được các tổ chức quốc tế trao tặng các giải thưởng liên quan đến khối khách hàng SMEs như "Ngân hàng tài trợ bền vững tốt nhất dành cho Doanh nghiệp SME" (Tạp chí Alpha Southeast); "Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam" (Tạp chí FinanceAsia và Tạp chí Euromoney); "Sáng kiến hợp tác SME trong nước tốt nhất" và "Sáng kiến tài chính trong nước với tác động xã hội tốt nhất" (Tạp chí ABF)…

Bên cạnh đó, SHB cũng được nhiều tổ chức uy tín và giới đầu tư đánh giá cao về áp dụng các tiêu chuẩn ESG trong hoạt động kinh doanh. Tại FinanceAsia Awards 2024, Tạp chí FinanceAsia vinh danh SHB là "Ngân hàng có tác động ESG tích cực nhất Việt Nam". Đây là năm thứ hai liên tiếp SHB chiến thắng ở hạng mục giải thưởng này, minh chứng cho sự kiên định của ngân hàng với các mục tiêu phát triển bền vững.

Xếp hạng 137 trong Top Fortune SEA 500 và hàng loạt giải thưởng từ các tổ chức uy tín trong thời gian qua, SHB đã khẳng định tầm vóc và uy tín trên thị trường tài chính, hiện diện trong bức tranh tăng trưởng chung của khu vực.

Giai đoạn 2024-2028, SHB đang tập trung nguồn lực để triển khai Chiến lược Chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện; đặt mục tiêu chiến lược trở thành Ngân hàng TOP 1 về hiệu quả; Ngân hàng Số được yêu thích nhất; Ngân hàng Bán lẻ tốt nhất đồng thời là Ngân hàng TOP đầu cung ứng nguồn vốn, sản phẩm tài chính dịch vụ với khách hàng doanh nghiệp chiến lược tư nhân và Nhà nước, có chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, hệ sinh thái, phát triển xanh.

Ánh Dương