TS. Lê Xuân Nghĩa: "Lượng vàng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của Việt Nam khoảng 3 tỷ USD, không bằng giá trị mỹ phẩm nhập khẩu của chị em"
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, ước tính lượng vàng nhập khẩu đáp ứng nhu cầu nội địa của Việt Nam khoảng 3 tỷ USD. Con số này không bằng giá trị mỹ phẩm nhập khẩu của chị em cũng như thấp hơn giá trị rượu vang, cigar nhập khẩu.
Sau hơn 2 tháng thực hiện chính sách bình ổn vàng, giá vàng SJC trong nước đã thu hẹp khoảng cách đáng kể với giá vàng trên thế giới chỉ khoảng 4-5 triệu đồng mỗi lượng. Thế nhưng, thực tế hiện nay, việc mua vàng miếng SJC online đang tạo ra nhiều bất cập khi không ít người dân phản ánh: Khó mua được vàng.
Bởi tình trạng này mà kênh đầu tư vàng dần mất đi sức hấp dẫn bởi tình trạng khó tiếp cận khó mua bán vàng trên thị trường chính thức.
Trước vấn đề đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần trả lại tự do cho thị trường vàng và không nên áp dụng mệnh lệnh hành chính.
Bàn về giải pháp để thị trường vàng bình ổn trở lại, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế tiếp tục đề xuất việc nhập khẩu vàng.
Trước câu hỏi lo ngại về việc nhập khẩu vàng có ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Không cần lo lắng việc nhập khẩu vàng ảnh hưởng đến tỷ giá."
Vị chuyên gia này nói thêm, những năm trước đây khi chưa xảy ra khủng hoảng do ảnh hưởng bởi Covid-19, mỗi năm, nhập khẩu chính thức vàng của Việt Nam là 3-4 tấn, còn lại nhập khẩu phi chính thức.
Thống kê của Hội đồng Vàng thế giới, lượng vàng nhập khẩu đáp ứng nhu cầu nội địa chỉ khoảng 50 tấn/năm. Con số này tương đương khoảng 2,5 - 3 tỷ USD, là một khối lượng rất nhỏ so với kim ngạch nhập khẩu hiện tại của Việt Nam xấp xỉ 200 tỷ USD và so với dự trữ ngoại tệ của NHNN là 100 tỷ USD.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thực tế, giá trị nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu nội địa thấp hơn giá trị nhập khẩu mỹ phẩm của phái đẹp tại Việt Nam. Theo tính toán, lượng mỹ phẩm nhập vào Việt Nam lên tới 3,3 tỷ USD. Trong khi, lượng rượu vang và cigar nhập khẩu còn lên tới gần 4 tỷ USD.
Ông Nghĩa nhấn mạnh lại: "Vàng sẽ không tác động lớn đến tỷ giá hối đoái. Thế nên, việc quản lý vàng cũng cần có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình hiện nay".
Đồng quan điểm đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, việc quản lý vàng miếng như hiện tại đang tạo ra nhiều bất cập khi giao dịch mua – bán rất khó khăn. Đây là rủi ro đối với nhà đầu tư xuống tiền vào kênh đầu tư này.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, những quy định mà các ngân hàng đang đặt ra như hiện nay đều gây những khó khăn nhất định cho người mua vàng, có thể khiến nhiều người cho rằng nhà quản lý không muốn bán. Nếu giá vàng có giảm nhưng khó mua cũng tạo ra sự "biến tướng" trên thị trường.
Ông Hiếu đưa ra 2 kịch bản. Thứ nhất, người muốn mua vàng sẽ từ bỏ việc mua vàng và đổ tiền vào các kênh đầu tư khác. Kịch bản thứ hai là người mua vàng sẽ tìm đến thị trường chợ đen, gây tình trạng khó kiểm soát cho cơ quan quản lý. Vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Hãy để thị trường vàng vận hành theo quy luật cung cầu vốn có"