Nghiên cứu sửa đổi quy định về xử phạt hành chính lĩnh vực đất đai
Theo phản ánh của ông Ngô Mạnh Hùng (Quảng Ninh), Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có bổ sung một số điểm mới so với Nghị định 102/2014/NĐ-CP nhưng vẫn còn những vướng mắc trong công tác đầu tư xây dựng dựng công trình có sử dụng đất.
Cụ thể, tại Điểm d Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định:
"Điều 3. Giải thích từ ngữ
... 2. Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:
... d) Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật".
Từ khi có quy định này, UBND cấp huyện (đơn vị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng), sau khi giải phóng mặt bằng, không bàn giao mặt bằng cho chủ dự án để khởi công và thi công ngay, thay vào đó yêu cầu chủ dự án hoàn thiện thủ tục giao đất theo quy định (trường hợp chưa giao đất mà đã thi công sẽ bị xử phạt hành chính).
Quy định này còn chưa hợp lý bởi lẽ:
- Giao đất cho chủ dự án là một thủ tục phức tạp, phải đáp ứng đồng thời nhiều điều kiện.
- Để hoàn thành toàn bộ các thủ tục cần rất nhiều thời gian của các bên có liên quan (đặc biệt là khi công tác giải phóng mặt bằng có vướng mắc hoặc chủ dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, khi đó thủ tục giao đất phải thực hiện làm nhiều lần). Vì thế thủ tục giao đất (chính thức) chỉ cần thực hiện đối với công tác giao đất chính thức cho chủ dự án khi dự án bắt đầu đưa vào sản xuất kinh doanh (thời điểm bắt đầu sản xuất kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản,...).
- Đối với các dự án đầu tư công, sau khi hoàn thành công trình thì chủ dự án tiếp tục bàn giao công trình (trên đất) cho chủ quản lý, sử dụng. Việc chủ dự án phải thực hiện rất nhiều thủ tục để được giao đất (giao tạm trong thời gian thi công) sau đó lại bàn giao cho đơn vị khác là không cần thiết.
- Quy định nêu tại Điểm d Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP còn chưa phù hợp với quy định trong Luật Xây dựng 2014 (Khoản 1 Điều 107 Luật Xây dựng 2014, được sửa đổi tại Khoản 39 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14), làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công các dự án đầu tư xây dựng có sử dụng đất. Trước đây, khi chưa có quy định này, chủ dự án được triển khai thi công ngay ở những khu vực đã được giải phóng và bàn giao mặt bằng.
Do vậy, ông Hùng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ có liên quan (có đầu tư xây dựng công trình) rà soát, đánh giá, xem xét trình Chính phủ hủy bỏ quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP.
Trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP vẫn phù hợp (đối với một số trường hợp nào đó) thì đề nghị điều chỉnh thành: "d) Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật trừ trường hợp triển khai thi công các dự án đầu tư xây dựng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc phê duyệt chủ trương/dự án đầu tư".
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Thực hiện Luật Đất đai năm 2024, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ ngành và địa phương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các bộ ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai để trình Chính phủ xem xét ban hành.