Khi nào phải đóng Quỹ Phòng chống thiên tai?
Thời gian đóng Quỹ Phòng chống thiên tai được quy định như thế nào? Mối quan hệ giữa Quỹ trung ương và Quỹ cấp tỉnh trong việc phòng chống thiên tai là gì?
1. Thời gian đóng Quỹ Phòng chống thiên tai được quy định như thế nào?
Theo khoản 5 Điều 15 Nghị định 78/2021/NĐ-CP, thời gian đóng Quỹ Phòng chống thiên tai được quy định cụ thể như sau:
- Thời hạn nộp Quỹ cấp tỉnh:
+ Đối với cá nhân nộp một lần trước 31/7 hàng năm.
+ Đối với tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn nộp tối thiểu 50% số phải nộp trước 31/7, số còn lại nộp trước 30/11 hàng năm.
- Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh kéo dài và ảnh hưởng phạm vi lớn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, điều chỉnh thời hạn nộp hoặc quyết định miễn, giảm đóng góp Quỹ cấp tỉnh cho phù hợp.
Thực hiện đóng Quỹ Phòng chống thiên tai (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
2. Mối quan hệ giữa Quỹ trung ương và Quỹ cấp tỉnh
Căn cứ Điều 10 Nghị định 78/2021/NĐ-CP, mối quan hệ Quỹ trung ương và Quỹ cấp tỉnh trong việc đóng Quỹ Phòng chống thiên tai:
2.1. Trách nhiệm của Quỹ trung ương
- Điều tiết nguồn kinh phí cho Quỹ cấp tỉnh.
- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí do Quỹ trung ương điều tiết cho Quỹ cấp tỉnh.
2.2. Trách nhiệm của Quỹ cấp tỉnh
- Tiếp nhận, quản lý, sử dụng các khoản điều tiết từ Quỹ trung ương.
- Chuyển kinh phí cho Quỹ trung ương theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Chịu sự kiểm tra, giám sát của Quỹ trung ương đối với nguồn tài chính do Quỹ trung ương hỗ trợ.
- Báo cáo tình hình quản lý và sử dụng Quỹ cấp tỉnh cho cơ quan quản lý Quỹ trung ương để tổng hợp.
Điều 13. Đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp - Nghị định 78/2021/NĐ-CP 1. Đối tượng được miễn đóng góp: a) Đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09 tháng 12 năm 2020. b) Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; c) Hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang đang hưởng phụ cấp sinh hoạt phí. d) Sinh viên, học sinh đang theo học tập trung, dài hạn tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề. đ) Người khuyết tật hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên, người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc mắc bệnh tâm thần có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên. e) Người đang trong giai đoạn thất nghiệp hoặc không có việc làm từ 6 tháng trong 1 năm trở lên. g) Phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. h) Thành viên hộ gia đình thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo; thành viên hộ gia đình ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật khác có liên quan; thành viên hộ gia đình bị thiệt hại nặng do thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ, tai nạn. i) Hợp tác xã không có nguồn thu. k) Tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn trong năm bị thiệt hại do thiên tai gây ra về tài sản, nhà xưởng, thiết bị khi phải tu sửa, mua sắm với giá trị lớn hơn hai phần vạn (0,02%) tổng giá trị tài sản của tổ chức hoặc phải ngừng sản xuất kinh doanh từ 05 ngày liên tục trở lên có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. 2. Đối tượng được giảm, tạm hoãn đóng góp: Tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì được xem xét giảm, tạm hoãn đóng góp Quỹ cấp tỉnh. Mức giảm đóng góp quỹ tương ứng mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp do cơ quan Thuế công bố hàng năm. |