Chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được quy định như thế nào?
Chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh được quy định như thế nào? Các hoạt động nào bị cấm kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp?
1. Việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh được quy định thế nào?
Căn cứ theo Điều 213 Luật Doanh nghiệp 2020, việc thực hiện chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh được quy định cụ thể như sau:
(i) Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp được chấm dứt hoạt động theo quyết định của chính doanh nghiệp đó hoặc theo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(ii) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện bị chấm dứt hoạt động liên đới chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
(iii) Doanh nghiệp có chi nhánh đã chấm dứt hoạt động chịu trách nhiệm thực hiện các hợp đồng, thanh toán các khoản nợ, gồm cả nợ thuế của chi nhánh và tiếp tục sử dụng lao động hoặc giải quyết đủ quyền lợi hợp pháp cho người lao động đã làm việc tại chi nhánh theo quy định của pháp luật.
Toàn văn File word Luật Doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn năm 2024 |
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
[TIỆN ÍCH] Tra cứu Công việc pháp lý trang PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP |
Quy định chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
2. Các hoạt động nào bị cấm kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp?
Căn cứ theo Điều 211 Luật Doanh nghiệp 2020, quy định về một số hoạt động bị cấm kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp.
(i) Kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp, doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp bị nghiêm cấm thực hiện một trong số các hoạt động sau đây:
- Cất giấu, tẩu tán tài sản.
- Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ.
- Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp.
- Ký kết hợp đồng mới, trừ trường hợp để thực hiện giải thể doanh nghiệp.
- Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản.
- Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực.
- Huy động vốn dưới mọi hình thức.
- Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại khoản (i) Mục 2 này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
3. Giải thể doanh nghiệp trong trường hợp và điều kiện nào?
Căn cứ theo Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020, một số trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp được quy định cụ thể như sau:
(i) Doanh nghiệp bị giải thể trong một số trường hợp sau đây:
- Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn.
- Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.
- Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
- Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế 2019 có quy định khác.
(ii) Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài.
Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại gạch đầu dòng thứ 4 khoản (i) Mục 3 này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.