Cứu sống bà mẹ mới sinh mắc 'bệnh ăn thịt người'

27/08/2024 12:30

Charleigh Boyne, người vừa sinh con gần một tuần, được bác sĩ mổ khẩn cấp để giữ mạng sống do bị nhiễm trùng viêm cân cơ hoại tử, còn gọi là bệnh ăn thịt người.

Tháng 4 năm ngoái, Charleigh Boyne, 28 tuổi, một giáo viên dạy khiêu vũ đến từ Manningtree, Anh, đã được đưa trở lại bệnh viện sau chưa đầy một tuần sinh con gái. Bà mẹ một con bị phát ban dữ dội và run rẩy, thậm chí có cảm giác xương như "rời ra".

Kết quả chụp CT cho thấy cô bị nhiễm trùng ăn thịt hiếm gặp, đe dọa tính mạng là viêm cân cơ hoại tử (NF), làm phá hủy da và cơ. Sau ca phẫu thuật kéo dài 6 giờ, Boyne đã được đưa vào trạng thái hôn mê trong hai ngày.

Boyne là một trong 500 người mắc NF mỗi năm ở Vương quốc Anh. Theo NHS, "căn bệnh ăn thịt người" này có thể xảy ra nếu vết thương bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể gây đau dữ dội hoặc mất cảm giác gần vết cắt hoặc vết thương, sưng phồng da và các triệu chứng giống như cúm. Một số bệnh nhân sau đó sẽ bắt đầu nôn mửa, nổi các đốm đen trên da và có thể bị lú lẫn, theo NHS.

Các bác sĩ thông báo Boyne cần được điều trị ngay tại bệnh viện và nếu không phẫu thuật để loại bỏ phần thịt đã bị hoại tử, cô sẽ chết.

"Tôi đã chuyển dạ sinh con gái và điều đó diễn ra khá bình thường. Tôi về nhà và khoảng 6 ngày sau, tôi bị ốm, nổi mẩn trên bụng giống như bị bỏng. Những phần phát ban rất đau và tôi liên tục bị ớn lạnh đến mức xương cốt như sắp vỡ vụn. Tôi chỉ muốn ngủ. Chồng tôi rất lo sợ.

Khi quay lại bệnh viện, kết quả chụp CT cho thấy tôi bị NF và tình trạng này đang ăn mòn bụng tôi. Các bác sĩ đến rất nhanh và nói tôi cần phẫu thuật khẩn cấp để giữ tính mạng. Đó là khoảnh khắc kỳ lạ nhất trong cuộc đời tôi. Giống như trong phim, khi một người nhận được tin xấu và mọi thứ trở nên im lặng. Họ phẫu thuật bụng tôi và lấy ra hết những phần bị hoại tử. Khi tỉnh dậy, tôi được thông báo là đã hôn mê hai ngày và tôi sẽ ổn thôi", Boyne kể lại.

Charleigh Boyne bế con sau khi tỉnh lại ở bệnh viện. Ảnh: Charleigh Chatterton
Charleigh Boyne bế con sau khi tỉnh lại ở bệnh viện. Ảnh: Charleigh Chatterton

Hiện tại, Boyne vẫn gặp hậu chứng về tâm lý (PTSD) sau biến cố trên. "Tôi đã khỏe hơn về mặt thể chất, nhưng tôi vẫn đang trong quá trình chữa lành. Tôi có một vết sẹo chai và tôi bị PTSD. Vết sẹo thực sự ảnh hưởng đến sự tự tin của tôi. Tôi phải vật lộn để nhìn vào gương. Tôi không mặc quần áo hở bụng nhưng trong một số bộ trang phục, người ta có thể nhìn thấy nó vì đó là một vết lõm", Boyne nói.

Dù vậy, Boyne cho biết con gái đang phát triển khỏe mạnh và căn bệnh không ngăn cản cô sinh thêm con.

"Alessia hoàn hảo. Con bé yêu đời và là đứa trẻ vui vẻ. Chúng tôi rất muốn có thêm con, nhưng tôi sẽ rất cảnh giác", cô nói.

Hiện Boyne đã lập một trang GoFundMe để gây quỹ cho Quỹ Lee Spark NF và Bệnh viện Colchester, Essex, nơi cô đã được cứu mạng.

"Tôi đi bộ nửa chặng marathon vì Lee Spark, tổ chức đã giúp tôi chấp nhận những gì xảy ra và vì Bệnh viện Colchester, nơi tôi được các bác sĩ cứu chữa. Điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức. Hầu hết mọi người đều không biết NF là gì. Tuy hiếm gặp, NF vẫn có khả năng xảy ra và không thể chẩn đoán được nếu mọi người không biết gì về nó", cô cho hay.

Hướng Dương (Theo Mail)