Sinh viên “ngao ngán” khi giá phòng trọ tăng cao mùa nhập học
Giá cho thuê phòng trọ tại các khu vực tập trung nhiều trường đại học ở Hà Nội và TP.HCM đang “nóng” dần trong mùa nhập học của sinh viên.
Nhu cầu tăng đẩy giá phòng trọ lên cao
Nhu cầu về nơi ở ổn định luôn là ưu tiên hàng đầu của sinh viên trọ học xa nhà. Vào mùa tựu trường, nhu cầu này lại càng tăng cao. Theo dữ liệu của nền tảng công nghệ Batdongsan.com.vn, trong tháng 7, mức độ quan tâm tới phòng trọ, nhà trọ Hà Nội cho thuê đã tăng 10% so với tháng 6. Còn tại TP.HCM, mức tăng là 22%.
Công cụ Lịch sử giá của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy giá thuê trọ tại một số khu vực có xu hướng đi lên từ quý 2/2024.
Ví dụ, tại phường 9 (Quận 5 – TP.HCM) – nơi gần các trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, Đại Học Sư Phạm TP.HCM, Đại học Y Dược TP. HCM,... giá cho thuê phòng trọ phổ biến vào quý Q2/2024 là 6 triệu đồng/tháng, tăng đến 50% so với cùng kỳ năm trước.
Ở Hà Nội, tại phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) – khu vực tập trung các trường như Đại học Bách khoa, Đại học Xây dựng và Đại học Kinh tế quốc dân, giá thuê phổ biến vào Q2/2024 - 5 triệu đồng/tháng, đang là mức cao nhất trong vòng 4 năm qua. Giá thuê tại phường Bách Khoa đã tăng 25% trong giai đoạn từ Q3/2020 đến Q2/2024.
Theo Batdongsan.com.vn, một số chủ phòng trọ trên địa bàn Hà Nội cho biết họ tăng giá thuê thêm 10-15% với lý do giá mua bất động sản tăng nên giá thuê cũng cần tăng theo. Tương tự, thị trường phòng trọ tại TP.HCM cũng chứng kiến xu hướng tăng giá thuê trong vài tháng gần đây, ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý và hành vi của người thuê trọ.
Người trẻ chọn sống “YONO” để thích ứng
Trong bối cảnh kinh tế biến động như hiện nay, một lối sống mới mang tên “YONO” đã dần hình thành và thu hút sự quan tâm của một bộ phận giới trẻ. Chỉ khác một chữ cái nhưng YONO (You Only Need One – Bạn chỉ cần một là đủ) lại mang tinh thần khác với YOLO (You Only Live Once - Bạn chỉ sống một lần trong đời) khi khuyến khích sống tối giản và cắt giảm chi phí.
Việc thị trường phòng trọ tại các khu vực gần trường đại học thuộc thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM tăng giá đồng loạt đã đặt ra bài toán chi phí cho người thuê nhà, đặc biệt là những sinh viên còn phụ thuộc phần lớn kinh tế vào gia đình hay người trẻ mới ra trường đi làm với mức lương thấp.
Do đó, tâm lý của nhóm này đã thay đổi để cân bằng giữa thu nhập và chi phí hàng tháng. Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn về hành vi thuê nhà trong 6 tháng cuối năm 2024 của người tiêu dùng, có 47% người được hỏi chọn phương án thuê phòng trọ có ít nội thất hơn và 51% chọn thuê phòng nhỏ hơn.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, xét theo địa phương, người thuê ở Hà Nội có xu hướng chấp nhận thuê ít nội thất hơn và người thuê ở TP.HCM ưu tiên thuê chỗ nhỏ hơn để cắt giảm chi phí. Bên cạnh đó, một số phương án khác được lựa chọn bao gồm thuê nơi có ít tiện ích hơn và ở ghép.
Bạn Duy Quang (quê Long An) - sinh viên năm hai của một trường đại học tại TP.Hà Nội, cho biết sau kỳ nghỉ hè, em trở lại trường vào đầu tháng 8 để chuẩn bị cho năm học mới. Tuy nhiên, chủ nhà trọ đã thông báo tăng tiền thuê thêm 500.000 đồng/tháng.
“Hợp đồng của em đến hết tháng 9 là hết hạn, em đang tìm một số phòng trọ khác có ít nội thất hơn để chuyển sang vì giá rẻ hơn”, bạn Duy Quang cho biết.
Ngoài giá thuê, theo ông Quốc Anh, các bậc phụ huynh và các bạn sinh viên cũng cần quan tâm tới tính thuận tiện di chuyển và an ninh của khu vực xung quanh phòng trọ. Vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy cũng rất đáng lưu tâm. Theo ông Quốc Anh, người đi thuê cần xem xét phòng trọ có lối thoát hiểm và trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy không, có gần các cửa hàng điện tử hay sản xuất đồ dễ cháy nổ không để hạn chế tối đa sự cố không đáng có. Ngoài ra, người thuê nên kiểm tra kỹ lưỡng phòng trọ có lắp camera giấu kín không để đảm bảo an toàn cho cá nhân và quyền riêng tư.
Xu hướng tăng giá phòng trọ được dự báo sẽ tiếp diễn ít nhất trong 1-2 tháng tới, khi số lượng sinh viên nhập học tại Hà Nội và TP.HCM vẫn tiếp tục tăng. Điều này đòi hỏi các bạn trẻ tính toán, điều chỉnh chi tiêu để đảm bảo hài hòa giữa các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.