Điện lực được cắt điện trong những trường hợp nào?

28/08/2024 16:05

Điện lực được cắt điện trong những trường hợp nào? Pháp luật quy định như thế nào về việc ngừng, giảm mức cung cấp điện? Bảo đảm chất lượng điện năng được quy định thế nào?

1. Điện lực được cắt điện trong những trường hợp nào?

Điện lực được cắt điện trong những trường hợp căn cứ tại Điều 27 Luật Điện lực 2004 quy định về việc ngừng, giảm mức cung cấp điện gồm những nội dung cụ thể sau đây:

(i)  Trường hợp ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 23 Luật Điện lực 2004, bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện biết trước thời điểm ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện ít nhất năm ngày bằng cách thông báo trong ba ngày liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức thông tin khác.

(ii) Trường hợp ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện khẩn cấp do sự cố, do sự kiện bất khả kháng mà bên bán điện không kiểm soát được có nguy cơ làm mất an toàn nghiêm trọng cho người, trang thiết bị hoặc do thiếu nguồn điện đe dọa đến an toàn của hệ thống điện thì đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện được ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện đối với bên mua điện để xử lý và trong thời hạn 24 giờ phải thông báo cho bên mua điện biết nguyên nhân, dự kiến thời gian cấp điện trở lại.

(iii) Trường hợp đơn vị điện lực ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện trái các quy định về ngừng, giảm mức cung cấp điện thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên mua điện theo quy định của pháp luật.

(iv) Trường hợp bên mua điện không thực hiện đúng các quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 46, điểm b và điểm c khoản 2 Điều 47 Luật Điện lực 2004 thì bên bán điện có quyền ngừng cấp điện cho bên mua điện.

Ngoài ra, theo Điều 14 Nghị định 137/2013/NĐ-CP, bên bán điện được ngừng, giảm mức cung cấp điện trong các trường hợp sau:

(i) Ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện theo quy định tại Điều 27 Luật Điện lực 2004.

(ii) Bên mua điện có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 7 Luật Điện lực 2004.

(iii) Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật Điện lực 2004, Luật Xây dựng 2014, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Như vậy, điện lực được cắt điện trong những trường hợp nêu trên. Bộ Công Thương quy định cụ thể về điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện; chi phí ngừng và cấp điện trở lại.

Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới)

Những trường hợp điện lực được cắt điện

Những trường hợp điện lực được cắt điện (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)

2. Việc bảo đảm chất lượng điện năng được quy định thế nào?

- Đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện phải bảo đảm điện áp, tần số dòng điện phù hợp với Tiêu chuẩn Việt Nam, công suất, điện năng và thời gian cung cấp điện theo hợp đồng. Trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn điện áp, tần số dòng điện, công suất, điện năng và thời gian cung cấp điện theo hợp đồng đã ký mà gây thiệt hại cho bên mua điện thì bên bán điện phải bồi thường cho bên mua điện theo quy định của pháp luật.

- Bên mua điện có trách nhiệm bảo đảm các trang thiết bị sử dụng điện của mình hoạt động an toàn để không gây ra sự cố cho hệ thống điện, không làm ảnh hưởng đến chất lượng điện áp của lưới điện.

(Điều 27 Luật Điện lực 2004)

3. Nguyên tắc hoạt động của thị trường điện lực là gì?

- Bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường điện lực.

- Tôn trọng quyền được tự chọn đối tác và hình thức giao dịch của các đối tượng mua bán điện trên thị trường phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.

- Nhà nước điều tiết hoạt động của thị trường điện lực nhằm bảo đảm phát triển hệ thống điện bền vững, đáp ứng yêu cầu cung cấp điện an toàn, ổn định, hiệu quả.

(Điều 17 Luật Điện lực 2004 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 2 Luật số 24/2012/QH13)