Từ 01/01/2025, bằng lái xe A1 A2 cũ muốn đổi sang bằng A mới thì có phải thi lại không?
Từ 01/01/2025, bằng lái xe A1 A2 cũ đã được cấp hiện nay mà muốn đổi sang bằng A thì có phải thi lại không hay được cấp đổi?
Từ 01/01/2025, bằng lái xe A1 A2 cũ muốn đổi sang bằng A mới thì có phải thi lại không? (Hình từ internet)
1. Từ 01/01/2025, bằng lái xe A1 A2 cũ muốn đổi sang bằng A mới thì có phải thi lại không?
Từ ngày 01/01/2025 giấy phép lái xe (hay thường gọi là bằng lái xe) được phân chia thành 15 hạng, so với hiện nay chỉ có 13 hạng.
>>> Xem thêm: Bảng so sánh phân hạng giấy phép lái xe hiện hành và từ năm 2025
Đồng thời loại xe được điều khiển trong mỗi hạng cũng có sự thay đổi. Trong đó, bằng lái xe A1, A2 cũng có sự thay đổi như sau:
Hiện nay:
- Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh từ 50 phân khối đến dưới 175 phân khối
- Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 phân khối trở lên và các loại xe của hạng A1
Còn từ ngày 01/01/2025:
- Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ trên 50 phân khối đến 125 phân khối hoặc có công suất động cơ điện đến 11 kW
- Hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh trên 125 phân khối hoặc có công suất động cơ điện trên 11 kW và các loại xe của hạng A1 mới
Mặc dù có sự thay đổi phân hạng bằng lái xe từ năm 2025, nhưng các bằng lái xe đã được cấp hiện nay vẫn được sử dụng bình thường theo thời hạn trên giấy phép lái xe, không bắt buộc đổi theo phân hạng mới. Tức là bằng lái xe hạng A1, A2 cũ vẫn được sử dụng vô thời hạn.
Còn trường hợp người dân có nhu cầu đổi bằng A1 cũ, A2 cũ sang bằng A mới thì được đổi như sau:
- Bằng A1 cũ được đổi sang bằng A mới với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến dưới 175 phân khối hoặc có công suất động cơ điện đến dưới 14 kW
- Bằng A2 cũ được đổi sang bằng A mới và được điều khiển xe mô tô hai bánh từ trên 125 phân khối và các loại xe của bằng A1 cũ
Và khi muốn đổi bằng A1 cũ, A2 cũ sang bằng A mới thì không cần phải thi lại mà chỉ cần làm thủ tục cấp đổi.
Căn cứ pháp lý:
- Điểm a, b khoản 2 Điều 59 Luật Giao thông đường bộ 2008
- Điểm a, b khoản 1 Điều 57; khoản 1, điểm a, b khoản 2, điểm a, b khoản 3 Điều 89 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024
2. Quy định về điểm giấy phép lái xe từ 01/01/2025
- Điểm của giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dữ liệu về điểm trừ giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết.
- Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm.
- Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì người có giấy phép lái xe không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo giấy phép lái xe đó. Sau thời hạn ít nhất là 06 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 7 Điều 61 của Luật này do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
- Giấy phép lái xe sau khi đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của giấy phép lái xe trước khi đổi, cấp lại, nâng hạng.
- Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền trừ điểm giấy phép lái xe.
(Điều 58 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024)