Đơn vị sự nghiệp có được mua hàng hóa từ hộ kinh doanh do con giám đốc đơn vị sự nghiệp làm chủ?
Đơn vị sự nghiệp có được phép mua văn phòng phẩm từ hộ kinh doanh mà con của giám đốc đơn vị sự nghiệp là chủ sở hữu không?
1. Đơn vị sự nghiệp có được mua hàng hóa từ hộ kinh doanh do con giám đốc đơn vị sự nghiệp làm chủ không?
Căn cứ khoản 3 Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng 2018, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
Theo đó, đơn vị sự nghiệp không được mua văn phòng phẩm từ hộ kinh doanh do con giám đốc đơn vị sự nghiệp làm chủ.
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
Toàn văn File word Luật Doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn năm 2024 |
[TIỆN ÍCH] Tra cứu Công việc pháp lý trang PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP |
Giám đốc đơn vị sự nghiệp không được bố trí vợ chồng, con,.. giao dịch mua bán hàng hóa với đơn vị sự nghiệp (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
2. Doanh nghiệp Nhà nước 100% vốn điều lệ có được ký hợp đồng mua bán hàng với doanh nghiệp của con giám đốc?
Căn cứ khoản 5 Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng 2018, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người giữ chức danh, chức vụ quản lý khác trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ không được thực hiện các hành vi sau:
- Ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột;
- Cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình.
- Bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ không được ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa với doanh nghiệp do con giám đốc làm chủ.
3. Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp
Căn cứ Điều 2 Luật Phòng chống tham nhũng 2018, các hành vi tham nhũng bao gồm:
(i) Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện:
- Tham ô tài sản.
- Nhận hối lộ.
- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
- Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
- Giả mạo trong công tác vì vụ lợi.
- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi.
- Nhũng nhiễu vì vụ lợi.
- Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
(ii) Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:
- Tham ô tài sản.
- Nhận hối lộ.
- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.