“Nổ" quen biết các lãnh đạo sở, lừa xin việc chiếm đoạt gần 4 tỷ đồng

Trần Sỹ 29/08/2024 07:31

Chỉ làm nghề buôn bán, hưu trí… nhưng các đối tượng đã “nổ” quen biết với nhiều người có chức vụ, quyền hạn ở Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Huyện ủy huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai nên có thể lo thi đỗ biên chế giáo viên trên địa bàn tỉnh, các đối tượng đã lừa đảo của 30 nạn nhân với số tiền gần 4 tỷ đồng.

Đưa chị dâu vào con đường lừa đảo

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Gia Lai truy tố, trong thời gian từ tháng 8/2016-1/2017, bị cáo Trần Thị Yến Chi (SN 1980, trú tại TDP 5, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, Gia Lai. Nghề nghiệp: buôn bán), và bị cáo Trần Thị Thêm (SN 1966, trú tại TDP 2, thị trấn Phú Thiện, là chị dâu của Chi) đã chiếm đoạt 2,3 tỷ đồng của 16 bị hại.

Trong thời gian này, Chi nói với Thêm là chồng mình có quan hệ thân thiết với lãnh đạo Huyện ủy huyện Phú Thiện, nên ai có nhu cầu xin việc làm và lo biên chế công, viên chức nhà nước thì cứ nhận tiền và hồ sơ.

Thời điểm này, con gái của Thêm đang là giáo viên hợp đồng nên cũng nhờ Chi lo biên chế viên chức. Thêm đưa trước 20 triệu trong tổng số 60 triệu mà Chi yêu cầu.

W_xx1.jpg
Bị cáo Chi (ngoài cùng bên phải) và 2 bị cáo Thêm, H'Phiêm tại phiên tòa chiều 28/8

Cùng thời gian, Thêm còn nhận được các cuộc gọi từ Chi và cuộc gọi lạ khác, đặt vấn đề nếu ai có nhu cầu xin việc, tuyển dụng công chức, viên chức thì cứ nhận rồi đưa cho Chi để Chi đưa cho H. (không xác minh được nhân thân, lai lịch) lo luôn một lần. Chi phí từ 130-150 triệu/suất, Thêm được nhận hoa hồng 5 triệu đồng/suất. Đồng thời hứa hẹn nếu không lo được việc thì sẽ trả lại đầy đủ.

Từ đây, Thêm đã kể lại việc nhờ Chi lo việc cho con gái mình với rất nhiều người. Vì tin tưởng là thật, nên có 16 ông, bà đã chuyển cho Thêm 2,3 tỷ đồng, trong đó, người ít nhất 30 triệu, người nhiều nhất 400 triệu đồng để thông qua Thêm nhờ Chi lo thi đậu viên chức và xin việc cho các con, em trong gia đình. Số tiền này, Thêm đã giao toàn bộ cho Chi và được Chi trích lại 35 triệu đồng để làm chi phí đi lại.

Được biết, sau mỗi lần nhận tiền, Thêm đều viết giấy có tiêu đề “giấy vay tiền”, “giấy nhận nợ”, “giấy biên nhận” rồi giao cho người nhờ xin việc giữ.

Đi lừa tiếp vì… bị đòi tiền

Ngoài việc kết hợp với chị dâu, trong thời gian từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2018, Trần Thị Yến Chi còn kết hợp với Kpă H’Phiêm (SN 1977, tên gọi khác Amí Nuâl. Trú tại xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) để lừa đảo của 14 bị hại, chiếm đoạt 1,660 tỷ đồng.

Đây là “cú lừa” tiếp theo, sau khi các trường hợp mà Thêm nhận tiền ở trên đều không đạt kết quả, nạn nhân liên tục đòi tiền từ Thêm, nên Thêm đã đòi tiền từ Chi.

Để có tiền trả cho 16 nạn nhân, trong thời gian cuối năm 2017 đến cuối 2018, Chi đã dùng thủ đoạn gian dối giới thiệu với H’Phiêm là có mối quan hệ và hứa hẹn về khả năng xin được việc làm, biên chế viên chức, công chức giáo viên rồi nói H’Phiêm tìm người có nhu cầu. Mỗi trường hợp 150 triệu, H’Phiêm được nhận 20 triệu đồng…

W_xx2.jpg
Toàn cảnh phiên tòa

Nắm bắt được “cơ hội làm ăn”, nên H’Phiêm đã thông qua các mối quan hệ họ hàng, gia đình, hàng xóm rồi tự đưa ra thông tin, bản thân có mối quan hệ quen biết với người làm bên Huyện ủy Phú Thiện, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai, Sở Nội vụ Gia Lai, xin được thi tuyển biên chế viên chức, công chức giáo viên. Đồng thời, không quên hứa hẹn chắc chắn sẽ xin được việc, nếu không sẽ trả lại tiền đầy đủ.

Vậy nhưng, sau khi huyện Phú Thiện công bố danh sách trúng tuyển, tất cả các trường hợp trên đều không đạt kết quả, nên Thêm và H’Phiêm đến nhà yêu cầu Chi trả lại tiền, để về trả cho người đi xin việc. Sau đó, Thêm và H’Phiêm đã làm đơn tố cáo Chi. Cùng với đó, nhiều bị hại cũng làm đơn tố giác các đối tượng này ra cơ quan chức năng.

Đến nay, số tiền 2,3 tỷ đã được Chi và Thêm trả đầy đủ cho 16 bị hại; cùng với đó, H’Phiêm đã trả lại hơn 500 triệu đồng, nên các bị hại yêu cầu Chi và H’Phiêm trả tiếp số tiền còn lại.

Trong vụ án này, nhà chức trách xác định, chồng của Chi không biết được hành vi của vợ mình nên không xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay vai trò đồng phạm giúp sức.

Xuyên suốt quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa ngày 28/8, bị cáo Chi không thừa nhận hành vi phạm tội của mình; 2 bị cáo còn lại thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

Sau quá trình xem xét các tình tiết có trong hồ sơ vụ án, quá trình xét hỏi và tranh luận, HĐXX TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt Trần Thị Yến Chi 15 năm tù; Trần Thị Thêm và Kpă H’Thiêm mỗi bị cáo 7 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 BLHS.

Trần Sỹ