Bên trong nhà máy xử lý nước thải lớn nhất nước ở TP HCM
Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng ở huyện Bình Chánh hoàn thành mở rộng, công suất xử lý 469.000 m3 mỗi ngày, lớn nhất nước.
Sáng 30/8, TP HCM khánh thành công trình mở rộng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, thuộc dự án cải thiện môi trường nước thành phố (giai đoạn 2). Đây cũng là giai đoạn có quy mô đầu tư lớn nhất của dự án với tổng kinh phí khoảng 11.300 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng trong nước.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư), cho biết giai đoạn 2 của dự án hoàn thành giúp xử lý 469.000 m3 nước thải mỗi ngày đêm, tăng 328.000 m3 so với giai đoạn một. Công trình giúp xử lý nước thải cho lưu vực rộng hơn 2.500 ha với khoảng 1,8 triệu người.
Nước thải được thu gom tại các quận 4, 5, 6, 8, 10, 11 và huyện Bình Chánh, sau đó theo hệ thống cống bao đưa về trạm bơm Đồng Diều ở quận 8. Tại trạm này, nước thải loại bỏ sơ bộ cát, rác, rồi bơm qua tuyến cống chuyển về nhà máy Bình Hưng xử lý trước khi đổ ra môi trường.
Công trình góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ.
Khu vực bể lắng thu gom nước thải từ hệ thống cống đưa về. Nước thải được lọc sơ bộ rồi chuyển đến các bể xử lý khác. Nhà máy không sử dụng hóa chất mà dùng vi sinh xử lý nước.
Ngoài nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, TP HCM còn có hai nhà máy khác là Tham Lương - Bến Cát (công suất 131.000 m3), Bình Hưng Hoà (30.000 m3).Hiện, tổng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị của thành phố mới đạt khoảng 40% lượng nước thải hàng ngày. Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) công suất 480.000 m3/ngày đang được xây dựng.
Công nhân xịt nước vệ sinh bể lọc và vớt rác ở nhà máy.
Dưới độ sâu 7 m là hệ thống đường ống cấp khí cỡ lớn, đường kính khoảng hai mét giúp xử lý nước thải.
Ở một khu vực ngầm khác là hệ thống đường ống và bơm nước xử lý.
Một hệ thống máy bơm khác dưới tầng hầm nhà máy nằm ở độ sâu gần chục mét trong lòng đất.
Hệ thống máy bơm đầu vào nằm trên mặt đất, tiếp nhận nước thải rồi đưa lên các bồn xử lý.
Trung tâm điều khiển trong nhà máy với các hệ thống màn hình theo dõi quá trình bơm, thiết bị vận hành...
Trung tâm điều khiển còn có khu màn hình thông báo trạng thái hoạt động của các công đoạn vận hành xử lý nước thải.
Toàn cảnh nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, nằm trên một cù lao có tổng diện tích 42 ha, biệt lập với khu dân cư xung quanh.
Sau khi giai đoạn 2 hoàn thành, dự án còn giai đoạn cuối cùng là mở rộng phạm vi xử lý nước thải thêm khoảng 1.600 ha khu vực quận 7, 8 và Nhà Bè, dân số khoảng 900.000 người. Giai đoạn này hoàn thành, nước thải sinh hoạt của toàn bộ lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ sẽ được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường...
Vị trí nhà máy xử lý nước thải. Đồ họa: Đăng Hiếu