Nữ doanh nhân chi 1,4 tỷ đồng mua 1 quả sầu riêng ở Đăk Lăk: Từ tuổi thơ chứng kiến những lần “mất trắng” của nông dân đến lô xoài đầu tiên xuất được đi Mỹ, lô vải đi Nhật…
Trong chia sẻ trước đó, Tập đoàn Chánh Thu - theo bà Vi có năm đạt doanh thu vượt mốc 600 tỷ đồng.
Ngay trong giai đoạn nghỉ lễ, tại hội thảo về sầu riêng, UBND huyện Krông Păk (Đăk Lăk) tổ chức chương trình đấu giá 3 trái sầu riêng, trong đó một nữ doanh nhân đã được đấu giá thành công với số tiền 1,4 tỷ đồng.
Trái sầu riêng này thuộc giống Ri6, người bỏ giá cao nhất cho "nữ hoàng sầu riêng Ri6" là bà Ngô Tường Vi - Chủ tịch Tập đoàn Chánh Thu và những người bạn. Bà Vi cho biết, các doanh nghiệp bỏ tiền ra đấu giá không nhằm mục đích sở hữu trái sầu riêng mạ vàng mà để tri ân ông Sáu Ri, vì đây là công lao của ông ấy. Và bà sẽ mang trái sầu riêng này về tặng gia đình chú Sáu Ri (hiện chú Sáu Ri đã mất).
Sự kiện trên gây nhiều chú ý và cũng nhận không ít ý kiến trái chiều. Phản hồi trên truyền thông, bà Vi cho biết "dù cha đẻ là chú Sáu Ri quê ở Bình Hòa, huyện Long Hồ (Vĩnh Long), nhưng vùng sản xuất cây giống Ri6 bán đi các nơi là ở huyện Chợ Lách, Bến Tre". Đây cũng chính là quê hương của bà Vi.
Được biết, bà Vi là thế hệ doanh nhân trẻ (sinh năm 1986), và Chánh Thu chính là tên của cha mẹ bà Vi. Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Bến Tre – miền đất nổi tiếng về trái cây của miền Tây như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm. Cha mẹ bà Vi - ông Chánh, bà Thu – được biết đến là những người nông dân tiên phong đưa nhãn, chôm chôm Chợ Lách đi sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, tuổi thơ bà đã chứng kiến bao lần "mất trắng" của nông dân (bao gồm gia đình bà) khi phụ thuộc vào thị trường, đặc biệt Trung Quốc. Đó cũng là động lực để bà Vi tiêu chuẩn hoá nông sản và hướng đến xuất khẩu thông qua Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu.
Ảnh: Website Chánh Thu.
Ghi nhận trên Website Công ty, Chánh Thu có tiền thân là Công ty TNHH Chánh Thu (tại tỉnh Bến Tre) là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây tươi, trái cây đông lạnh đã có hơn 25 năm kinh nghiệm.
Tập đoàn Chánh Thu hiện có nhà máy đóng gói rộng 120.000m2, hiện cung cấp hơn 200.000 tấn trái cây các loại trong năm xuất sang thị trường Mỹ, Nhật, Úc, Châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc… với sản lượng mỗi năm xấp xỉ hàng vạn tấn.
Doanh nghiệp đã được chứng nhận ATTP theo tiêu chuẩn FSSC 22000 và "mã nhà đóng gói" do Chính phủ Việt Nam cấp đủ điều kiện xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Australia và New Zealand…
Chánh Thu cũng là doanh nghiệp được lựa chọn xuất khẩu lô xoài đầu tiên vào thị trường Mỹ năm 2019, xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên vào thị trường Nhật Bản năm 2020. Chánh Thu theo bà Vi có năm đạt doanh thu vượt mốc 600 tỷ đồng.
"Mục tiêu của Chánh Thu, dù sản phẩm có sản lượng lớn hay không, xuất khẩu được bao nhiêu, doanh thu nhiều hay ít, điều quan trọng đó là điều kiện tiên quyết để chúng ta có thể xây dựng thương hiệu", bà Thu cho biết.
Thực tế, từ nhiều năm trước, khi đa số người Việt mình vẫn còn suy nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính thì Chánh Thu đã tự đặt tiêu chuẩn cho riêng mình. Xác định phải xem Trung Quốc là thị trường khó tính và Chánh Thu đã tập trung vào chất lượng sản phẩm.
Công ty theo đó xây dựng các mô hình theo chuẩn GlobalGAP, VietGAP đầu tiên cho trái chôm chôm và sau đó là nhiều tiêu chuẩn khác, trên các loại trái cây khác. Dần dàn, có được niềm tin từ thị trường Trung Quốc trở thành bước đệm giúp Chánh Thu mở rộng thị trường.
Sau đại dịch, Chánh Thu được biết có những thay đổi từ sản phẩm trái cây tươi qua sản phẩm chế biến, đặc biệt là đối với sản phẩm sầu riêng đông lạnh và đạt được những thành công nhất định. Mục tiêu xa hơn, bà Vi mong ước một ngày thương hiệu trái cây của Công ty sẽ được vào những chuỗi hệ thống của các tập đoàn quốc tế như Walmart, Costco Wholesale.