Lá trầu không chữa bệnh gì?
Trầu không là một loại cây quen thuộc với người dân Việt Nam, ngoài ra trầu không cũng là một vị thuốc trong y học, vậy lá trầu không chữa bệnh gì?
Thành phần và công dụng của lá trầu không?
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, trầu không tên khoa học là Piper Betle - loại cây thân leo nguồn gốc từ khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ.
Trầu không được trồng rộng rãi tại Việt Nam, thường lấy lá để ăn trầu và dùng làm thuốc ở dạng tươi hoặc phơi khô rồi xay nhuyễn thành bột.
Thành phần trong lá trầu không
Trong 100g lá trầu không chứa khoảng 2,4% tinh dầu và các thành phần hóa học khác như:
- Lá trầu không chứa các alkaloid như arecoline và arecadine, tác động kích thích hệ thần kinh, giúp thư giãn và tỉnh táo.
- Các hợp chất flavonoid có khả năng chống oxy hóa.
- Lá trầu không cung cấp lượng nhỏ vitamin và khoáng chất như vitamin C, vitamin B6, canxi, sắt và nhiều thành phần khác.
Công dụng của lá trầu không
Lá trầu không được sử dụng rộng rãi cả trong y học hiện đại và y học cổ truyền nhờ những công dụng:
- Lá trầu không là kháng sinh tự nhiên có khả năng ức chế hoạt động của một số loại vi khuẩn như E.coli, S.albus, B.subtilis, S.aureus, S.pneumoniae.
- Làm dịu các cơn đau khi bị rách, xước, viêm sưng và hỗ trợ làm lành vết thương nhanh chóng.
- Giảm các chứng ợ hơi, chướng bụng, khó tiêu, cải thiện tình trạng táo bón.
- Làm dịu các cơn co thắt, ức chế hoạt động của nhu động ruột và hệ thần kinh.
- Chăm sóc sức khỏe răng miệng, chữa sâu răng, viêm chân răng, hôi miệng.
- Chữa ho, viêm phế quản, viêm họng.
- Điều hòa chứng rối loạn kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh.
- Trị nấm, viêm nhiễm phụ khoa, khử khuẩn, làm sạch vùng kín.
Lá trầu không chữa bệnh gì?
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, cũng đồng thời là bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, theo y học cổ truyền, trầu không vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, quy vào các kinh phế, tỳ, vị. Trầu không tác dụng trừ phong thấp, chống lạnh, hạ khí, tiêu đờm, tiêu viêm, sát trùng.
Ở Ấn Độ, lá và tinh dầu trầu không dùng điều trị các bệnh xuất tiết, bệnh phổi và làm thuốc đắp, thuốc súc miệng. Lá trầu không có trong thành phần của chế phẩm thuốc cổ truyền Ấn Độ cùng với một số dược liệu khác dùng để trị hen suyễn.
Một số bài thuốc có trầu không
- Chữa vết thương: Lá trầu không, lá thanh táo, lá cỏ răng cưa, lấy lượng bằng nhau. Tất cả đem giã nát rồi đắp lên vết thương.
Hoặc để rửa vết thương: Lá trầu không tươi 40g, đem rửa sạch, đun với 2 lít nước sôi trong 15–20 phút, để nguội, gạn lấy nước trong, thêm phèn phi 8g vào đánh tan rồi rửa.
- Chữa mụn nhọt: Lá trầu không, lá thồm lồm, hoa dâm bụt, lấy lượng bằng nhau. Giã nát tất cả rồi đắp lên da.
- Chữa sai khớp, bong gân: Lá trầu không 12g, nghệ già 20g, lá cúc tần, lá xạ can mỗi vị 12g. Giã nát, trộn với một ít giấm, bọc gạc rồi đắp lên chỗ sưng đau. Thay băng sau khoảng 2–3 ngày/lần. Cần có sự giám sát và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Chữa cảm mạo: Dùng lá trầu không đánh gió, xát ở xương sống từ trên xuống dưới
- Chữa viêm họng: Lá bạc hà, húng quế, lá trầu không, mật ong và gừng. Đem các thảo dược rửa sạch và ép lấy nước. Sau đó trộn đều với mật ong và ngậm.
- Chữa các bệnh ngoài da như lở loét, côn trùng cắn, rôm sảy, chàm và hắc lào: Một nắm lá trầu không. Rửa sạch nguyên liệu, sau đó giã nát lá trầu và hòa với nước sôi để nguội. Dùng nước để rửa và đắp vào vùng da bị tổn thương.
Lưu ý: Lá trầu không là vị thuốc phổ biến, dễ tìm, lại chữa được nhiều bệnh. Tuy nhiên, người bệnh nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng trầu không như một bài thuốc để trị bất cứ bệnh gì.