Dự án gần 9.200 tỷ đồng 'cứu' thành phố sụt lún nhanh nhất đồng bằng sông Cửu Long
Nhiều công trình lớn, trọng điểm thuộc dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị đã được đưa vào sử dụng, góp phần chống ngập cũng như kết nối giao thông khu vực.
XEM CLIP:
Số liệu đo đạc của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy tốc độ sụt lún đất tại vùng đồng bằng sông Cửu Long nhanh gấp 3 lần so với mực nước biển dâng. Trong đó, TP Cần Thơ bị sụt lún nghiêm trọng nhất, với tốc độ trung bình 1,31cm/năm. Vì thế, việc chống ngập cho thành phố trở thành vấn đề bức thiết.
Năm 2016, dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự án 3) được Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu kiểm soát ngập cho gần 2.700ha tại các quận Ninh Kiều và Bình Thủy, bảo vệ hơn 420.000 người dân.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 9.200 tỷ đồng, trong đó gần 5.700 tỷ là vốn vay Ngân hàng Thế giới.
Công trình nổi bật của dự án là kè sông Cần Thơ có tổng chiều dài gần 5,2km, tổng mức đầu tư gần 1.100 tỷ đồng, đi qua quận Ninh Kiều, huyện Phong Điền và bờ đối diện phía quận Cái Răng.
Không những chống sạt lở, phòng tránh thiệt hại về tài sản và tính mạng con người do sạt lở bờ sông gây ra, bờ kè còn tạo nên một tuyến đường đi bộ sạch đẹp.
Ngoài hệ thống kè, dự án còn triển khai xây 10 cống ngăn triều và 2 âu thuyền để điều tiết nước, cải thiện đáng kể tình trạng ngập vùng trung tâm thành phố. Riêng âu thuyền Cái Khế (trong ảnh) đã được đầu tư 436 tỷ đồng, hoàn thành sau 22 tháng thi công.
Âu thuyền gồm 3 van chính (mỗi van nặng 35 tấn, chiều ngang 20m, cao 6m) và 1 van 5m (nặng 5 tấn), được xây tại đầu rạch Khai Luông thuộc quận Ninh Kiều.
Công trình được thiết kế như hệ thống khóa và xả điều tiết lượng nước vào mùa mưa. Khi cần chống ngập cho khu vực trung tâm thành phố, các khoang cống sẽ đóng lại, ngăn nước từ sông Cần Thơ tràn vào.
Sau nhiều lần “lỗi hẹn”, cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ nối 2 quận Ninh Kiều và Cái Răng chính thức thông xe và đưa vào sử dụng từ ngày 26/4 vừa qua. Cây cầu này không chỉ giúp kết nối về cửa ngõ phía nam thành phố mà còn giảm tải cho cầu Hưng Lợi, cầu Cái Răng.
Cầu dài 600m và rộng 23m, tổng kinh phí xây dựng 791 tỷ đồng, hoàn thành sau 3,5 năm thi công. Ngoài cầu Trần Hoàng Na, cầu Quang Trung (đơn nguyên 2) đã được xây dựng và thông xe cuối năm 2021.
Bên cạnh đó, dự án 3 còn làm đường nối giữa đường Cách Mạng Tháng Tám với đường tỉnh 918. Con đường này dài 5,3km, mặt cắt ngang 40m, nối các trục dọc quan trọng của thành phố.
Theo Ban quản lý dự án ODA TP Cần Thơ, dự án 3 đã cơ bản hoàn thành, đóng vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển đô thị bền vững, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho thành phố. Đồng thời, công trình cũng giảm sự tổn thương do ngập lụt tại khu vực trung tâm và cải thiện hệ thống giao thông kết nối giữa các khu vực nội vùng và liên vùng.
Dự án gồm 3 hợp phần: Kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường (xây kè sông Cần Thơ, hệ thống âu thuyền, cống ngăn triều, cải tạo kênh rạch…); Phát triển hành lang đô thị (xây các cầu Quang Trung, Trần Hoàng Na, hạ tầng khu tái định cư); Tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.