Thủ tục cấp giấy phép vận chuyển công cụ hỗ trợ cho đối tượng không thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng
Thủ tục cấp giấy phép vận chuyển công cụ hỗ trợ cho đối tượng không thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024.
Thủ tục cấp giấy phép vận chuyển công cụ hỗ trợ cho đối tượng không thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng (Hình từ Internet)
1. Công cụ hỗ trợ là gì?
Theo khoản 11 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 thì công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp, bao gồm:
- Súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này; phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa; lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ; dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại; khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai; áo giáp; găng tay điện, găng tay bắt dao; lá chắn, mũ chống đạn; thiết bị áp chế bằng âm thanh; ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;
- Động vật nghiệp vụ là động vật được huấn luyện để sử dụng cho yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;
- Công cụ khác có tính năng, tác dụng tương tự như công cụ hỗ trợ quy định tại điểm a khoản 11 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024, không thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.
2. Thủ tục cấp giấy phép vận chuyển công cụ hỗ trợ cho đối tượng không thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng
Theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 thì thủ tục cấp giấy phép vận chuyển công cụ hỗ trợ đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:
- Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; lý do; số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ của công cụ hỗ trợ cần vận chuyển, họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người điều khiển phương tiện, người áp tải; phương tiện vận chuyển, biển kiểm soát; thời gian vận chuyển, nơi đi, nơi đến, tuyến đường vận chuyển;
- Văn bản đề nghị quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công an hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ;
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển công cụ hỗ trợ; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
- Giấy phép vận chuyển công cụ hỗ trợ có thời hạn 30 ngày;
- Trường hợp vận chuyển công cụ hỗ trợ bằng nhiều phương tiện cùng loại trong một chuyến thì chỉ cấp 01 giấy phép vận chuyển; nếu vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện thì phải cấp riêng cho mỗi loại phương tiện 01 giấy phép vận chuyển.
Xem thêm tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 trừ Điều 17, Điều 32 và khoản 1 Điều 49 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.