Bão số 3 tăng cấp liên tục, có thể thành siêu bão, ảnh hưởng trực tiếp đất liền Việt Nam
Sau một ngày tiến vào Biển Đông, bão số 3 tăng liền 3 cấp, với dự báo có thể đạt cấp 14, giật cấp 17 trong những giờ tới và Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu 24 địa phương chủ động, sẵn sàng các phương án để ứng phó.
Đi vào Biển Đông sáng qua, 3-9, bão YAGI trở thành cơn bão số 3 trong năm 2024, với cường độ ban đầu cấp 8, giật cấp 11. Tuy nhiên, chỉ 24 giờ sau, đến sáng nay, bão số 3 đã tăng liền 3 cấp.
Lúc 7 giờ sáng nay, bão số 3 đạt cấp 11, giật cấp 13, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc. Tuy nhiên, tốc độ di chuyển chậm lại, còn khoảng 10km/giờ.
Vị trí tâm bão lúc 7 giờ ở vào khoảng 19 độ Vĩ Bắc; 117,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 770km về phía Đông. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định: Phía Bắc vĩ tuyến 17,0N; phía Đông kinh tuyến 113,5E.
Dự báo vị trí và đường đi của bão số 3. Ảnh: VNDMS
Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết với các điều kiện hiện khí quyển hiện tại như gió, khí áp và nhiệt độ nước biển ở khu vực Biển Đông ở mức 30-31o độ thì cơn bão này vẫn có thể mạnh lên.
Dự báo trong 24-72 giờ tới, bão số 3 sẽ đi vào vùng biển ngoài khơi phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc), có thể đạt cường độ cấp 14 và gió giật cấp 17.
Chính vì vậy cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 3 gây ra trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông được Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia nâng lên cấp 4.
Liên quan đến cơn bão này, một số chuyên gia khí tượng không loại trừ khả năng bão số 3 có thể mạnh đến cấp siêu bão, tức cấp 16.
Dự báo tại thời điểm tối qua, ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, cho biết bão số 3 di chuyển ổn định theo hướng Tây với tốc độ di chuyển trung bình 10-15km/giờ đến khoảng sáng 6-9.
Từ chiều 6-9 trở đi có khả năng xảy ra hai kịch bản.
Kịch bản 1: Bão di chuyển như hiện tại thì khoảng đêm 6, ngày 7-9 sẽ đi vào vùng biển vịnh Bắc Bộ, sau đó hướng di chuyển về phía đất liền các tỉnh Bắc Bộ.
Kịch bản 2: Bão có khả năng đổi hướng di chuyển đi vòng về phía Nam đảo Hải Nam sau đó đi vào khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ và hướng về đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế.
Như vậy, cả hai kịch bản này thì bão đều ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.
Ông Tuấn cho biết, mối nguy hiểm nhất của cơn bão số 3 này, ngoài tác động về gió mạnh thì sóng biển cao 7-9 mét gây rủi ro rất lớn đối với tàu thuyền, ngay cả tàu thuyền có trọng tải lớn cũng có thể bị đánh chìm.
“Vì đây là một cơn bão rất mạnh nên khả năng gây gió mạnh sẽ bao phủ trên một khu vực rộng lớn dọc theo các tỉnh ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ theo hai kịch bản đã nói ở trên” - ông Tuấn dự báo.
Ngoài ra, tuỳ thuộc vào từng kịch bản di chuyển của bão số 3, trên đất liền các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ cũng có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng. Nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất ở mức cao đến rất cao.
Theo đánh giá của các chuyên gia khí tượng, bão số 3 là một trong những cơn bão mạnh nhất năm 2024 hoạt động trên Biển Đông. Trong 8 năm qua, chúng ta chưa ghi nhận cơn bão mạnh nào đổ bộ trực tiếp vào khu vực Bắc Bộ kể từ sau bão số 1 (Mirinae) năm 2016.
Để chủ động ứng phó với bão số 3, từ ngày 3-9 khi bão mới vào Biển Đông, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành và 24 địa phương chủ động, sẵn sàng các phương án để ứng phó với bão nhằm bảo vệ tính mạng người dân và giảm thiểu thiệt hại về tài sản.