10 bị cáo tại Trung tâm đăng kiểm ở Phú Yên lĩnh án
Ngày 4/9, TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên án vụ “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm 78-02D thuộc Công ty Đăng kiểm Bách Việt (tại Tân An, Suối Bạc, Sơn Hòa, Phú Yên).
Sau hơn 3 ngày xét xử, HĐXX tuyên phạt các bị cáo về tội “Nhận hối lộ” với mức án: Ngô Thị Thu Hằng (SN 1976, Chủ tịch Hội đồng thành viên) 17 năm tù; Phan Đình Thám (SN 1972, Tổng Giám đốc) 15 năm tù; Phan Trung Hiếu (SN 1976, Phó Giám đốc) 10 năm tù (tổng hợp với bản án 1 năm 6 tháng tù do TAND tỉnh Phú Yên trước đó, Hiếu phải chấp hành án 11 năm 6 tháng tù); Lê Tự Trị (SN 1972, đăng kiểm viên) 6 năm tù (tổng hợp với bản án 4 năm 6 tháng tù do TAND huyện Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, Trị phải chấp hành án 10 năm 6 tháng tù).
Nguyễn Châu Kim Long (SN 1984, đăng kiểm viên) 7 năm tù; Phạm Xuân Hưng (SN 1991, nguyên Giám đốc Trung tâm đăng kiểm) 7 năm tù; Võ Quốc Nhiên (SN 1995, đăng kiểm viên) 7 năm tù; Nguyễn Thị Phấn (SN 1986, Thủ quỹ) 2 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Mỹ Hiền (SN 1988, Kế toán) 2 năm 6 tháng tù; Trần Quốc Bảo (SN 1998, nhân viên) 5 năm tù. Ngoài ra, tòa còn tuyên phạt bổ sung các bị cáo từ 30 - 80 triệu đồng.
Theo hồ sơ vụ án, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đăng kiểm Bách Việt do Hằng, Thám và chị Ngô Thị Thu Hương góp vốn thành lập; ngành nghề kinh doanh là kiểm tra và phân tích kỹ thuật (đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải), được Cục Đăng kiểm - Bộ Giao thông vận tải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, số lượng 01 dây chuyền kiểm định loại II, bắt đầu hoạt động đăng kiểm từ ngày 12/10/2020.
Từ ngày 12/10/2020 đến ngày 06/12/2022, tại Trung tâm Đăng kiểm 78-02D thuộc Công ty Đăng kiểm Bách Việt, các bị cáo tiến hành kiểm định 6.207 phương tiện xe cơ giới với 13.720 lượt đăng kiểm.
Khi kiểm tra phát hiện phương tiện xe cơ giới không đủ điều kiện, các bị cáo đã gặp chủ xe, lái xe thông báo lỗi và gợi ý đưa thêm tiền thì không cần mang xe đi sửa chữa mà sẽ được bỏ qua lỗi.
Cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định, số tiền phải đưa thêm từ 100 - 400 ngàn đồng để bỏ qua các lỗi liên quan đến đèn, phanh, lốp, khí thải và từ 1 - 3 triệu đồng để bỏ qua các lỗi cơi nới thùng xe, gắn thêm tời kéo, độ thêm cầu xe.
10 bị cáo đã thống nhất nhận tiền của chủ xe, lái xe bỏ qua lỗi vi phạm của phương khi điểm định, ký cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định với số tiền hơn 5,3 tỷ đồng.
Trong đó có nhiều lần các bị cáo tham gia nhận từ 2 triệu đồng trở lên. Từng bị cáo được chia cụ thể: Hằng hơn 4,1 tỷ đồng, Hưng hơn 2,6 tỷ đồng, Nhiên hơn 256 triệu đồng, Long hơn 200 triệu đồng, Trị hơn 100 triệu đồng, Hiếu gần 90 triệu đồng, Bảo hơn 42 triệu đồng, Hoàn hơn 40 triệu đồng, Hiền hơn 27 triệu đồng, Phấn hơn 27 triệu đồng, Thám nhận tiền lương hàng tháng và chi phí sinh hoạt hàng ngày do Hằng trả, trong đó có từ nguồn tiền Hằng được chia.
Các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án, đã nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính tổng cộng 5,3 tỷ đồng.
Chị Ngô Thị Thu Hương không tham gia điều hành, quản lý Công ty Bách Việt và Trung tâm đăng kiểm 78-02D, không biết việc nhận thêm tiền bỏ qua lỗi vi phạm của phương tiện khi kiểm định, không được hưởng lợi từ số tiền trên nên không đồng phạm với các bị cáo.
Các chủ xe, lái xe nhiều lần đưa tiền khi đăng kiểm xe ô tô nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát hiện, tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra nên được miễn trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra Hằng, Thám còn đầu tư xây dựng Trung tâm đăng kiểm 47-06D tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắc và cũng đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắc khởi tố và xét xử về tội “Nhận hối lộ”.
Năm 2023, bị cáo Trị bị TAND huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận xét xử tuyên phạt 4 năm 6 tù về tội tội “Nhận hối lộ”.
Phạm Văn Hoàn đã bỏ trốn, Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã và quyết định tách vụ án hình sự, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.