Bão số 3 khả năng thành siêu bão, cân nhắc cảnh báo lên mức thảm họa

04/09/2024 19:11

Theo giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm, cường độ bão số 3 (Yagi) có thể mạnh cấp 15 và không loại trừ khả năng mạnh lên thành siêu bão (cấp 16). Ông Khiêm cho biết, cơ quan này đang xem xét nâng cảnh báo rủi ro thiên tai lên cấp 5 (mức thảm họa).

Bão số 3 có khả năng mạnh cấp siêu bão

Chiều 4/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã họp ứng phó với cơn bão số 3 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, lúc 14h chiều nay (4/9), bão số 3 đang ở cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 710km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/h), giật cấp 15.

Sau khi vào Biển Đông, trong vòng hơn 24 giờ, cường độ bão đã tăng 4 cấp. Hiện nay, nhiệt độ nước biển đang rất cao, các điều kiện khí quyển cũng rất thuận lợi để bão mạnh lên. Trong 24 - 48 giờ tới, cường độ bão sẽ tiếp tục mạnh lên cho đến khi áp sát vùng biển phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Theo ông Khiêm, các dự báo của Việt Nam và quốc tế tương đối thống nhất về mặt quỹ đạo di chuyển và cường độ. Hầu hết các dự báo quốc tế đều nhận định bão tăng cường độ lên cấp 15, có đài dự báo cường độ bão đạt cấp siêu bão (cấp 16).

“Với tình hình như hiện nay, có những phương án tính toán gió bão có thể đạt cấp 16, thậm chí cấp 17 thì gây tác động rất lớn. Do vậy trong chiều đến tối nay, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đang xem xét, nếu các tính toán đồng thuận, tin cậy thì chúng tôi có khả năng cập nhật dự báo bão số 3 có thể đạt cấp siêu bão (gió mạnh cấp 16). Trong trường hợp cường độ bão mạnh lên cấp 16 thì các phương án chỉ đạo của chúng ta sẽ phải thay đổi, vì khi đó chúng tôi sẽ cảnh báo rủi ro thiên tai lên cấp 5 (rủi ro thiên tai ở mức thảm họa)", ông Khiêm nhấn mạnh.

Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia Mai Văn Khiêm thông tin tại cuộc họp.

Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia Mai Văn Khiêm thông tin tại cuộc họp.

Dự báo khoảng đêm 6 đến rạng sáng 7/9, bão số 3 sẽ vào vịnh Bắc Bộ với cường độ mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 và hướng vào ven biển các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, khả năng có gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 12. Từ ngày 7 đến 9/9, ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng. Mưa lớn và gió mạnh trên đất liền ở Việt Nam phụ thuộc vào hướng di chuyển của bão, nếu bão đi lệch lên phía bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) thì tác động sẽ giảm.

Còn khoảng 54 giờ nữa bão mới tiếp cận bờ, nên vẫn còn có những thay đổi về cường độ, hướng di chuyển. Ông Khiêm khuyến cáo người dân và cơ quan chức năng cần theo dõi sát các dự báo.

Trường hợp bão đi lệch lên phía bắc thì tác động của bão sẽ thấp hơn, còn trường hợp xấu hơn, bão lệch xuống phía nam thì hoàn lưu bão sẽ bao trùm các tỉnh đồng bằng, thậm chí cả Hà Nội, Bắc Ninh cũng chịu ảnh hưởng. Lượng mưa do bão số 3 khá lớn, dụ báo có nơi trên 500mm.

Tại cuộc họp, Đại tá Nguyễn Văn Khanh, Phó tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng (Bộ Quốc phòng) cho biết từ ngày 2/9, Bộ Tư lệnh đã có 2 công điện chỉ đạo Bộ đội biên phòng các tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát nhằm ứng phó với bão số 3 và bổ sung cơ sở vật chất để đón nhân dân tránh trú... Trong công điện, Bộ Tư lệnh cũng yêu cầu Bộ đội biên phòng các tỉnh hỗ trợ địa phương kiểm tra, nắm chắc các địa điểm dễ ngập úng, lũ quét, di dời nhân dân đến nơi an toàn, chằng chống nhà cửa, lồng bè... Tại các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, TP Đà Nẵng,... Bộ Tư lệnh nhận định đây là những địa phương có số lượng lớn tàu thuyền.

Do đó, Bộ đội biên phòng các địa phương sẽ trực tiếp gặp gỡ các chủ tàu, thuyền, kiên quyết kêu gọi di chuyển để đảm bảo an toàn.

Mười năm mới gặp cơn bão mạnh như bão Yagi

Theo đại diện Cục Cứu hộ - Cứu nạn, hiện Bộ Quốc phòng đã sẵn sàng hơn 425.000 chiến sĩ với hơn 4.000 lượt phương tiện tàu thuyền, máy bay,... để ứng phó với bão số 3; tích cực chỉ đạo các Quân khu từ 1 đến 5 quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, tập trung nỗ lực cùng cấp ủy, chính quyền địa phương ứng phó với bão.

Trước thực trạng nhiều ngư dân chủ quan trước bão và những cảnh báo, yêu cầu của lực lượng chức năng, đại diện Cục Cứu hộ - Cứu nạn cho rằng vẫn phải tuyên truyền với tinh thần "mưa dầm thấm lâu", đặc biệt là phải tuyên truyền mạnh với các chủ tàu, kiên quyết di dời nhân dân từ nơi nguy hiểm đến an toàn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chỉ đạo tại cuộc họp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chỉ đạo tại cuộc họp.

Cũng tại cuộc họp, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai nhấn mạnh, các địa phương cần kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú, trong đó nắm vững thông tin chi tiết từng tàu trong khu vực nguy cơ ảnh hưởng của bão. Tùy theo diễn biến của bão, chủ động cấm biển, nhất là các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ và có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân trên các đảo.

Đối với vùng đồng bằng, ven biển cần rà soát cụ thể, sẵn sàng phương án sơ tán dân đối với nhà ở không đảm bảo an toàn, khu vực trũng thấp cửa sông, ven biển và có phương án cho học sinh nghỉ học trong thời gian bão đổ bộ.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đây là cơn bão mạnh hiếm gặp trong vòng 10 năm trở lại đây. Do đó, các địa phương cần chủ động công tác phòng chống, với tinh thần “không nuối tiếc” để hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị với cường độ và mức độ của cơn bão số 3, cần phải "hành động không hối tiếc, chuẩn bị không hối tiếc". Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương cần chủ động ứng phó bão số 3, đưa ra các tình huống, kịch bản cụ thể để hạn chế rủi ro về tính mạng con người cũng như cơ sở kinh tế, hạ tầng... bởi không còn nhiều thời gian. Ông Hoan đánh giá, bão Yagi có thể tác động từ biển đến ven biển, vùng núi với phạm vi lớn từ Bắc Trung Bộ đến Nghệ An nên đòi hỏi tính chủ động của các địa phương.