Hà Nội đã ghi nhận 14 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 1 ca cộng đồng
PLBĐ - Hà Nội đã ghi nhận ca mắc COVID-19 mang biến chủng Omicron đầu tiên ngoài cộng đồng. Ca bệnh là người tiếp xúc gần với người nhập cảnh nhiễm biến chủng này.
Sáng nay (26/1), tại phiên họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP. Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế - Vũ Cao Cương cho biết, thành phố đã ghi nhận 14 ca nhiễm biến chủng Omicron gồm 13 trường hợp nhập cảnh và 1 người ngoài cộng đồng. Trường hợp cộng đồng này là nhân viên phục vụ khách sạn, bị nhiễm chủng Omicron sau khi tiếp xúc gần với người nhập cảnh là F0.
"Sau khi xác định trường hợp lây nhiễm ngoài cộng đồng này, ngành y tế đã lập tức tiến hành truy vết, khoanh vùng để nhanh chóng dập dịch", ông Vũ Cao Cường cho biết.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 164 ca mắc COVID-19 do biến chủng Omicron. Cụ thể tại Hà Nội (14), Quảng Nam (27), TP. Hồ Chí Minh (92), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (8), Khánh Hòa (11), Long An (1), Quảng Ninh (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Kiên Giang (2), Bình Dương (1) và Lâm Đồng (1).
Được biết, ngay sau khi Hà Nội công bố việc đã nghi nhận 14 ca mắc COVID-19 thuộc biến thể Omicron, Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu các đơn vị chủ động ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt là "siêu biến thể" này trong dịp Tết.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thường trực 4 cấp, bao gồm: Trực lãnh đạo, xử lý đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính - hậu cần; trực bảo vệ - tự vệ. Cùng với đó, có kế hoạch phòng, chống cháy nổ, thảm họa, tai nạn hàng loạt; phòng, chống rét cho người bệnh. Đồng thời, các đơn vị tuyến trên sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới khi cần thiết.
Sở Y tế Hà Nội đề nghị: "Các bệnh viện phải tổ chức tốt công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh cho người dân, bảo đảm người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Trong trường hợp trái tuyến, trái chuyên khoa thì cơ sở y tế phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định mới chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế khác. Từng đơn vị chuẩn bị thuốc, máu, dịch truyền, trang thiết bị và nguồn nhân lực để cấp cứu, khám, chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm".
Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ báo cáo hằng ngày và kịp thời báo cáo mọi diễn biến bất thường để có phương án chỉ đạo giải quyết kịp thời. Các đơn vị cần chủ động ứng phó với dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là biến chủng mới Omicron. Ngoài ra, có kế hoạch cụ thể về dự trữ thuốc, dịch truyền, ô xy, vật tư, hóa chất, giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, bảo đảm tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị, cách ly người bệnh.
Hiện, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thủ đô vẫn đang được tổ chức quyết liệt. Tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn đang trong giới hạn kiểm soát. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân không chủ quan trước dịch bệnh; thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch theo cấp độ dịch; hạn chế tối đa các hoạt động tụ tập đông người... Chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng chống dịch bệnh đồng bộ, hiệu quả.
Thành phố cũng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêm chủng mũi 1, mũi 2 và tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại vaccine phòng COVID-19 cho đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, cộng dồn đến 18h ngày 25/1, Hà Nội đã ghi nhận 118.111 ca mắc (tại Hà Nội 117.915 trường hợp, 254 trường hợp nhập cảnh), 506 trường hợp tử vong (0,43%). Toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2.
Về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, thành phố đã tiêm được 14.541.317 mũi. Trong đó với người trên 50 tuổi: Tỷ lệ tiêm mũi 1 là 99,3% (1.903.018 mũi /1.916.049 người); Tỷ lệ tiêm mũi 2: 98,3 % (1.884.173 mũi /1.916.049 người).
Từ 27/4/2021 đến nay, Hà Nội tiếp nhận quản lý, điều trị tổng số 117.871 bệnh nhân, hiện đang quản lý, điều trị: 45.720 người.
T.H(th)