Đề xuất quy định hướng dẫn về hành lang an toàn đường bộ
Nội dung đề xuất quy định hướng dẫn về hành lang an toàn đường bộ đang được đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đường bộ 2024.
Đề xuất quy định hướng dẫn về hành lang an toàn đường bộ (Hình từ internet)
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã công bố dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ 2024.
Đề xuất quy định hướng dẫn về hành lang an toàn đường bộ
Cụ thể, tại Điều 12 dự thảo Nghị định đã đề xuất quy định hướng dẫn về hành lang an toàn đường bộ như sau:
(1) Hành lang an toàn đường bộ được xác định theo quy định tại Điều 15 Luật Đường bộ 2024 và quy định tại Nghị định này.
(2) Chiều rộng hành lang an toàn đường bộ được xác định như sau:
- Đối với đường ngoài đô thị, chiều rộng hành lang an toàn đường bộ được xác định theo cấp kỹ thuật của đường bộ theo Tiêu chuẩn Việt Nam về thiết kế đường bộ, tính từ mép ngoài phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ trở ra mỗi bên như sau: 17 mét đối với đường cao tốc, cấp I, cấp II; 13 mét đối với đường cấp III; 9,0 mét đối với đường cấp IV, cấp V; 4,0 mét đối với đường từ cấp V trở xuống.
- Trường hợp đường bộ có đường bên, đường gom, đường song hành nằm trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ thì hành lang an toàn đường bộ được xác định theo cấp kỹ thuật của đường bộ theo Tiêu chuẩn Việt Nam về thiết kế đường bộ, tính từ mép ngoài cùng của phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ của đường bên, đường gom, đường song hành theo quy định tại điểm a khoản này nhưng không nhỏ hơn chiều rộng hành lang an toàn đường bộ của đường có cấp kỹ thuật cao nhất.
- Trường hợp đường hiện hữu chưa xác định cấp kỹ thuật thì căn cứ chiều rộng mặt đường và tiêu chuẩn thiết kế đường để xác định cấp kỹ thuật tương ứng làm căn cứ xác định chiều rộng hành lang an toàn đường bộ.
- Đối với đường đô thị, hành lang an toàn đường bộ được xác định từ mép ngoài phần đất để bảo vệ, bảo trì đường đô thị đến chỉ giới đường đỏ nhưng không lớn hơn chiều rộng hành lang an toàn của đường ngoài đô thị cùng cấp.
(3) Chiều rộng hành lang an toàn cầu đường bộ được xác định như sau:
- Đối với phần cầu vượt sông trên đường ngoài đô thị, hành lang an toàn theo chiều dọc cầu tính từ đuôi mố cầu ra mỗi bên như sau: 50 mét đối với cầu có chiều dài từ 60 mét trở lên; 30 mét đối với cầu có chiều dài dưới 60 mét. Theo chiều ngang cầu tính từ mép ngoài cùng phần đất để bảo vệ, bảo trì cầu trở ra mỗi bên như sau: 150 mét đối với cầu có chiều dài lớn hơn 300 mét; 100 mét đối với cầu có chiều dài từ 60 mét đến 300 mét; 50 mét đối với cầu có chiều dài từ 20 mét đến dưới 60 mét; 20 mét đối với cầu có chiều dài nhỏ hơn 20 mét.
- Đối với cầu cạn (bao gồm phần cầu chạy trên cạn của cầu vượt sông), cầu vượt trên cao trên đường ngoài đô thị, hành lang an toàn theo chiều dọc cầu tính từ đuôi mố cầu ra mỗi bên như sau: 50 mét đối với cầu có chiều dài từ 60 mét trở lên; 30 mét đối với cầu có chiều dài dưới 60 mét. Theo chiều ngang cầu tính từ mép ngoài phần đất để bảo vệ, bảo trì cầu ra mỗi bên như sau: 17 mét đối với đường cao tốc, cấp I, cấp II; 13 mét đối với đường cấp III; 9,0 mét đối với đường cấp IV, cấp V; 4,0 mét đối với đường từ cấp V trở xuống.
- Đối với cầu trên đường trong đô thị, hành lang an toàn theo chiều dọc cầu được xác định như đối với cầu trên đường ngoài đô thị; hành lang an toàn theo chiều ngang cầu đối với phần cầu chạy trên cạn, kể cả phần cầu chạy trên phần đất không ngập nước thường xuyên và các cầu bắc qua sông, kênh, rạch không có hoạt động vận tải đường thủy được tính từ mép ngoài phần đất bảo vệ, bảo trì cầu ra mỗi bên 7,0 mét, phần mố cầu xác định như hành lang đường đô thị; đối với phần cầu còn lại, xác định theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 12 dự thảo Nghị định.
- Tại các nút giao thông đô thị, các cầu vượt, hầm chui và cầu dành cho người đi bộ qua đường, hành lang an toàn cầu xác định theo thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
(4) Chiều rộng hành lang an toàn hầm đường bộ được xác định như sau:
- Đối với hầm đường bộ ngoài đô thị là vùng đất, vùng nước xung quanh hầm được tính từ mép ngoài phần đất bảo vệ, bảo trì hầm trở ra là 100 mét.
- Đối với hầm đường bộ trong đô thị do tư vấn thiết kế xác định trên cơ sở đảm bảo an toàn bền vững hầm trong hồ sơ thiết kế và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
(5) Chiều rộng hành lang an toàn bến phà, cầu phao đường bộ được xác định như sau:
- Theo chiều dọc: bằng chiều dài đường xuống bến phà, cầu phao.
- Theo chiều ngang: từ tim bến phà, cầu phao trở ra mỗi phía thượng lưu, hạ lưu là 150 mét.
(6) Chiều rộng hành lang an toàn kè, tường chắn bảo vệ được xác định từ mép ngoài của kè, tường chắn bảo vệ trở ra như sau:
- Đối với kè, tường chắn chống xói để bảo vệ nền đường, hành lang an toàn kè tính từ đầu kè, tường chắn và từ cuối kè, tường chắn về hai phía thượng lưu, hạ lưu mỗi phía 50 mét; từ chân kè, tường chắn trở ra sông 20 mét.
- Đối với kè, tường chắn chỉnh trị dòng nước, hành lang an toàn kè tính từ chân kè, tường chắn về hai phía thượng lưu, hạ lưu mỗi phía 100 mét; từ gốc kè, tường chắn trở vào bờ 50 mét; từ chân đầu kè, tường chắn trở ra sông 20 mét.
- Đối với kè, tường chắn bảo vệ không thuộc quy định tại điểm a, điểm b khoàn này, hành lang an toàn kè, tường chắn được xác định theo hành lang an toàn đường bộ quy định tại (2).
(7) Đối với đường thôn, đường ngõ, ngách, kiệt, hẻm trong đô thị và đường khác cho phép xe ô tô di chuyển, hành lang an toàn đường bộ xác định theo thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
(8) Đối với đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với các công trình khác được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Đường bộ 2024.
(9) Việc xác định và quản lý mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Đường bộ 2024 và quy định sau đây:
- Đối với đường bộ xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo, chủ đầu tư phải xác định giới hạn đất của đường bộ, đất hành lang an toàn đường bộ và thực hiện như sau: đối với đất của đường bộ, lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất, thực hiện bồi thường theo quy định của pháp luật về đất đai; đối với đất hành lang an toàn đường bộ: Chủ đầu tư tiến hành cắm mốc lộ giới để bàn giao cho địa phương và cơ quan quản lý đường bộ quản lý theo quy định như đối với hành lang đường bộ đang khai thác. Trường hợp công trình và các tài sản khác nằm trong hành lang an toàn đường bộ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ thì chủ đầu tư tiến hành xác định mức độ ảnh hưởng, phối hợp cùng cơ quan quản lý đất đai của địa phương lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Đối với đường bộ đang khai thác, cơ quan quản lý đường bộ chủ trì, phối hợp cùng cơ quan quản lý đất đai của địa phương xác định giới hạn đất của đường bộ, đất hành lang an toàn đường bộ và lập kế hoạch thực hiện các công việc sau đây: rà soát, xác định giới hạn phần đất của đường bộ; rà soát, xác định giới hạn phần đất hành lang an toàn đường bộ; tiến hành cắm mốc giới hạn để bàn giao cho địa phương và cơ quan quản lý đường bộ quản lý theo quy hoạch; rà soát hiện trạng tình trạng sử dụng đất, các công trình, cây cối trong phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ để quản lý theo quy định.
- Việc cắm mới mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ được thực hiện theo quy định tại Nghị định này. Trường hợp mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ đã cắm trước ngày dự thảo Nghị định có hiệu lực thì giữ nguyên hiện trạng.
Xem thêm nội dung tại dự thảo Nghị định.
____________________________________
Để giúp mọi người thuận tiện trong việc tra cứu các mức phạt vi phạm giao thông,
THƯ VIỆN PHÁP LUẬTđã cho ra đời iThong – App tra cứu mức phạt giao thông:
Tải về App iThong trên Android TẠI ĐÂY
Tải về App iThong trên iOS TẠI ĐÂY
Hoặc Quét mã QR dưới đây: