Hướng dẫn chuyển trẻ em từ cơ sở trợ giúp xã hội đến gia đình nhận nuôi
Bài viết sau có nội dung về việc chuyển trẻ em từ cơ sở trợ giúp xã hội đến gia đình nhận nuôi được quy định trong Nghị định 56/2017/NĐ-CP.
Hướng dẫn chuyển trẻ em từ cơ sở trợ giúp xã hội đến gia đình nhận nuôi (Hình từ Internet)
1. Hướng dẫn chuyển trẻ em từ cơ sở trợ giúp xã hội đến gia đình nhận nuôi
Theo quy định tại Điều 45 Nghị định 56/2017/NĐ-CP thì việc chuyển trẻ em đang được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội đến cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế, gia đình nhận trẻ em làm con nuôi như sau:
- Người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội có trách nhiệm lập danh sách theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 56/2017/NĐ-CP và hồ sơ trẻ em có nhu cầu tìm cá nhân, gia đình chăm sóc thay thế theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Nghị định 56/2017/NĐ-CP gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đối với cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý cấp huyện.
Mẫu số 14 |
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, đối chiếu với danh sách cá nhân, gia đình đăng ký nhận chăm sóc thay thế để xem xét, đánh giá sự phù hợp của cá nhân, gia đình đăng ký nhận chăm sóc thay thế; nếu thấy phù hợp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyển danh sách và hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân, gia đình đăng ký nhận chăm sóc thay thế cư trú.
- Người đúng đầu cơ sở trợ giúp xã hội có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế thông báo tình hình của trẻ em cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế, tổ chức cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế tiếp xúc với trẻ em và đưa trẻ em đến nhà của cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế để trẻ em làm quen với môi trường mới; lấy ý kiến, nguyện vọng của trẻ em về cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế trong trường hợp trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên.
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét các điều kiện của cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế, nếu đủ điều kiện, Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định giao trẻ em cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật trẻ em 2016.
Ủy ban nhân dân cấp xã gửi quyết định giao trẻ em cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để làm cơ sở chấm dứt việc chăm sóc thay thế cho trẻ em tại cơ sở trợ giúp xã hội. Việc giao, nhận trẻ em được thực hiện khi có quyết định chăm sóc thay thế của Ủy ban nhân dân cấp xã và quyết định chấm dứt chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội.
- Chính sách đối với trẻ em được chăm sóc thay thế và cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế thực hiện theo quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội.
- Thủ tục chuyển trẻ em sang gia đình nhận làm con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật nuôi con nuôi.
2. Hướng dẫn theo dõi, đánh giá trẻ em từ cơ sở trợ giúp xã hội chuyển đến cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế
Việc theo dõi, đánh giá trẻ em từ cơ sở trợ giúp xã hội chuyển đến cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế được quy định cụ thể tại Điều 46 Nghị định 56/2017/NĐ-CP như sau:
- Người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội cử người đại diện phối hợp với người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã tiếp tục theo dõi, đánh giá điều kiện sống, tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của trẻ em với cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế để kịp thời đề nghị với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về biện pháp hỗ trợ, can thiệp phù hợp.
- Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã có trách nhiệm theo dõi, đánh giá việc chăm sóc trẻ em được cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Nghị định 56/2017/NĐ-CP.