Vào tháng 12/2023, tại Diễn đàn kinh tế doanh nghiệp đầu tư ASEAN - Nhật Bản, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Thái Bình cho liên danh 3 nhà đầu tư: Tokyo gas, Kyuden và TTVN Group. Dự án Nhiệt điện LNG Thái Bình có tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD, với tổng công suất thiết kế 1.500 MW (gồm 2 tổ máy sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp có hiệu suất cao nhất hiện nay). Nhiên liệu sử dụng chính là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Địa điểm dự án đặt tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy (gần Khu du lịch sinh thái biển Cồn Đen).Khi đi vào vận hành, dự án sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 10 tỷ kWh mỗi năm, gấp 1,6 lần nhà máy thuỷ điện Sơn La (nhà máy thuỷ điện lớn nhất Việt Nam) sản xuất năm 2023 (6,3 tỷ kwh). Lượng điện 10 tỷ kWh đủ cho cả nước dùng trong 10 ngày cao điểm (đỉnh điểm năm 2024, cả nước tiêu thụ 1,025 tỷ kWh). Đây là dự án lớn, mang tầm vóc quốc gia, nằm trong danh mục các dự án nguồn và lưới điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện thuộc Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII), đóng vai trò quan trọng trong cam kết dịch chuyển năng lượng xanh, sạch của Chính phủ. Theo dự kiến, dự án sẽ được khởi công trong quý 3/2025 (quý III tức từ tháng 7 đến hết tháng 9) và vận hành thương mại trước năm 2030. Trong ảnh là quy hoạch 1/2000 của dự án LNG Thái Bình. Ước tính, khi đi vào vận hành trung bình mỗi năm nhà máy nộp thuế trên 4.000 tỷ đồng. Con số này gần bằng mức nộp thuế của nhà máy Vinfast trong giai đoạn giai đoạn sản xuất xe xăng (5.000 tỷ). Kể từ khi chuyển sang sản xuất xe điện thì mức thuế của nhà máy Vinfast nộp thấp hơn nhiều do thuế tiêu thụ đặc biệt với xe điện thấp hơn 10 lần với xe xăng (3% so với 30%). Như vậy, tương lai khi dự án được xây dựng và đi vào hoạt động sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao quy mô kinh tế của tỉnh, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, đóng góp quan trọng vào chuyển đổi kinh tế của Thái Bình theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt sẽ tạo sức bật thu hút đầu tư của tỉnh, đóng góp rất lớn vào an ninh năng lượng quốc gia. Hiện nay, khu đất dự kiến xây dựng Nhà máy Nhiệt điện LNG Thái Bình chủ yếu là đất ruộng, đất trồng hoa màu của người dân địa phương. Nhà máy Nhiệt điện LNG Thái Bình tương lai sẽ nằm dọc trên tuyến đường bộ ven biển hiện đang được xây dựng. Tuyến đường này dài 550 km nối từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Tại khu đất xây dựng dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Thái Bình có thể nhìn thấy hai Nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 1 và 2, đây là hai nhà máy lớn của tỉnh. Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 được phát điện vào năm 2017 có tổng mức đầu tư trên 26.500 tỷ đồng. Nhiệt điện Thái Bình 1 gồm 2 tổ máy với công suất 600 MW (2 x 300 MW), mỗi năm sản xuất được 3,276 tỷ kWh. Còn về Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được phát điện vào năm 2022, có công suất thiết kế 1.200 MW với tổng mức đầu tư hơn 34.200 tỷ; mỗi năm nhà máy sản xuất được 6,739 tỉ kWh điện thương phẩm. Có thể thấy rằng, tỉnh Thái Bình đã và đang đi theo định hướng của quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với định hướng phát triển công nghiệp là động lực. Đồng thời, tương lai là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của cả Vùng đồng bằng sông Hồng.
Bài và ảnh: Ngọc Đẹp