Tin sáng 5/9: Diễn biến mới vụ bạo hành trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng; Bão số 3 Yagi có khả năng đạt cường độ cấp siêu bão
Công an TP HCM và các đơn vị khẩn trương kiểm tra, xác minh vụ việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; bão số 3 Yagi đã mạnh lên nhanh chóng, hiện tại đang ở cấp 13 (134-149km/h), giật cấp 15-16 (167-201km/h).
Lãnh đạo UBND TP HCM yêu cầu xử lý nghiêm vụ bạo hành trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng
Theo Người lao động, Văn phòng UBND TP HCM đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Thị Diệu Thúy liên quan đến vụ việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng, quận 12.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo UBND quận 12 chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an TP HCM và các đơn vị khẩn trương kiểm tra, xác minh vụ việc, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để răn đe hành vi ngược đãi, bạo hành, xâm hại trẻ em.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM cũng yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP HCM, sở, ngành, tổ chức có liên quan và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Đồng thời, các đơn vị thường xuyên theo dõi, kiểm tra để phát hiện kịp thời, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em trên địa bàn.
Trước đó, báo chí phản ánh về việc Mái ấm Hoa Hồng như "địa ngục trần gian" đối với trẻ em được nuôi dưỡng tại cơ sở này.
Theo đó, mái ấm nhận nuôi dưỡng gần 100 trẻ mồ côi, trong đó có cả trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo mẫu tên T. có những hành động ngược đãi, đánh đập dã man đối với các trẻ. Trong đó, có bé trai khoảng 7 tháng tuổi bị T. ngồi lên người, nhéo lỗ tai. Thậm chí, một bé còn bị T. tác động vật lý đến chảy máu miệng, nhấc lên cao rồi ném xuống nệm.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an quận 12 phối hợp với các đơn vị liên quan đã vào cuộc điều tra.
Công an quận 12 và các cơ quan chức năng đang làm việc với bà Giáp Thị Sông Hương - chủ Mái ấm Hoa Hồng để làm rõ hành vi bạo hành trẻ mà báo chí phản ánh.
Mái ấm Hoa Hồng thường đăng clip trên mạng xã hội, công khai số tài khoản để nhận hỗ trợ của cộng đồng. "UBND quận 12 đang phối hợp với các ngành chức năng làm rõ những sai phạm tại Mái ấm Hoa Hồng và sẽ cung cấp thông tin sớm nhất", đại diện UBND quận 12 cho biết trên Người lao động.
Bão số 3 Yagi khả năng đạt cường độ cấp siêu bão
Tại cuộc họp ứng phó với bão số 3 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: "Sau khi vào Biển Đông, trong vòng hơn 24 giờ, cường độ bão đã tăng 4 cấp. Hiện nay, nhiệt độ nước biển đang rất cao, các điều kiện khí quyển cũng rất thuận lợi để bão mạnh lên. Trong 24 - 48 giờ tới, cường độ bão sẽ tiếp tục mạnh lên cho đến khi áp sát vùng biển phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc)".
Theo ông Khiêm, các dự báo của Việt Nam và quốc tế tương đối thống nhất về mặt quỹ đạo di chuyển và cường độ. Hầu hết các dự báo quốc tế đều nhận định bão tăng cường độ lên cấp 15, có đài dự báo cường độ bão đạt cấp siêu bão (cấp 16).
Với tình hình như hiện nay, có những phương án tính toán gió bão có thể đạt cấp 16, thậm chí cấp 17 thì gây tác động rất lớn.
"Trong trường hợp cường độ bão mạnh lên cấp 16 thì các phương án chỉ đạo của chúng ta sẽ phải thay đổi, vì khi đó chúng tôi sẽ cảnh báo rủi ro thiên tai lên cấp 5 (rủi ro thiên tai ở mức thảm họa)", ông Khiêm nói.
Ông Khiêm cho biết, dự báo khoảng đêm 6 đến rạng sáng 7/9, bão số 3 sẽ vào vịnh Bắc Bộ với cường độ mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 và hướng vào ven biển các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, khả năng có gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 12.
Từ ngày 7 đến 9/9, ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng.
Do ảnh hưởng của bão số 3, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội. Từ ngày 5-6/9, bão số 3 tiếp tục tăng cường độ, có thể đạt 15-16, giật trên cấp 17 trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông.
Trong 24 giờ tới, vùng biển khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao 5-7m, vùng gần tâm bão 7-10m. Từ ngày 6/9, có thể tăng dần lên 10-12m. Biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Từ 1/1/2026, bảng giá đất sẽ được ban hành hằng năm
Theo quy định trước đây tại Luật Đất đai 2013 (đã hết hiệu lực từ 31/7/2024) thì bảng giá đất được ban hành mỗi năm một lần.
Còn tại khoản 3 Điều 159 Luật Đất đai 2024 đã quy định về bảng giá đất như sau:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026. Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1 tháng 1 của năm tiếp theo.
Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất trong năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất.
Trong quá trình thực hiện, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức tư vấn xác định giá đất để xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất.
Bảng giá đất hiện hành được phép áp dụng đến ngày 31/12/2025.
Bổ sung quy định về sát hạch lái xe các hạng C1, D1
Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Trung tâm Đào tạo lái xe.
Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung nhiều quy định về công tác đào tạo lái xe, nhằm phù hợp với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) và tình hình thực tiễn.
Theo đó, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định về sát hạch lái xe các hạng C1, D1.
Bộ GTVT cho biết, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về giấy phép lái xe để điều khiển ô tô tải, ô tô tải khi kéo rơ moóc, ô tô chở khách đến 30 chỗ ngồi, như sau: Hạng C cấp cho người lái ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500kg trở lên. Hạng D cấp cho người lái ô tô chở người từ 10 - 30 chỗ ngồi.
Tại thông tư hướng dẫn chi tiết Luật Giao thông đường bộ đã có quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe các hạng C và hạng D.
Tuy nhiên, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đã phân lại hạng bằng lái xe. Trong đó, bổ sung thêm hạng C1, D1 và quy định hạng giấy phép lái xe để điều khiển ô tô tải, ô tô tải kéo rơ moóc, ô tô chở khách đến 30 chỗ ngồi như sau:
Hạng C1 cấp cho người lái ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3.500kg đến 7.500kg; các loại ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B.
Hạng D1 cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) đến 16 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C.
Trước quy định mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ GTVT cho rằng cần thiết phải điều chỉnh về sát hạch lái xe, dù sẽ làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Việc điều chỉnh này nhằm đảm bảo việc tuân thủ Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời tăng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong lựa chọn các hạng giấy phép lái xe phù hợp với mục đích cá nhân; tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đảm bảo tính thống nhất của Luật Trật tự, an toàn giao thông trong hệ thống pháp luật.
6 sân bay bị ảnh hưởng bởi bão số 3
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia và Trung tâm cảnh báo thời tiết, Cục Hàng không cho biết các sân bay dự kiến trong khu vực ảnh hưởng gồm: Sân bay quốc tế Vân Đồn, sân bay quốc tế Cát Bi, sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay Thọ Xuân. Đối với Sân bay Vinh và Điện Biên khuyến cáo mưa, dông và sẵn sàng ứng phó khi bão có diễn biễn bất thường.
Để chủ động ứng phó với bão số 3 nhằm đảm bảo an toàn hoạt động bay, người và tài sản tại các sân bay, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến khai thác bay, Cục Hàng không yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện tổ chức trực 24/24 giờ; thực hiện nghiêm Quy trình ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới trong hoạt động hàng không dân dụng.
Đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VAM), Cục Hàng không yêu cầu chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không tăng cường công tác đảm bảo chất lượng thông tin khí tượng; liên tục theo dõi tình hình thời tiết trong khu vực trách nhiệm, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo; cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo tới người dùng.
Đối với các sân bay, các hãng hàng không, các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, Cục Hàng không yêu cầu tăng cường công tác phối hợp, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 để có phương án điều chỉnh kế hoạch bay hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp tại một số địa phương có ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi và đảm bảo an toàn cho hoạt động bay.
Cần triển khai phương án phòng chống mưa, bão, các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy trong cảng hàng không, sân bay, bảo vệ cho các công trình, phương tiện, thiết bị tại cảng hàng không, hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra đến mức thấp nhất và nhanh chóng ổn định mọi hoạt động hàng không phục vụ các nhu cầu của hành khách, đặc biệt lưu ý tại các sân bay bị ảnh hưởng như: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Vinh, Thọ Xuân, Điện Biên.