8 tháng đầu năm: Tín dụng tại Hà Nội tăng 13,44%, TP.HCM chỉ tăng 4,5%
Tốc độ tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội cao gấp gần 3 lần so với tốc độ tăng tại Tp. Hồ Chí Minh
Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, ước đến cuối tháng 8/2024, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn TP Hà Nội đạt 4.103 nghìn tỷ đồng, tăng 1,15% so với cuối tháng trước và tăng 13,44% so với thời điểm kết thúc năm 2023. Trong đó dư nợ ngắn hạn đạt 1.790 nghìn tỷ đồng, tăng 1,73% và tăng 18,96%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2.313 nghìn tỷ đồng, tăng 0,71% và tăng 9,51%.
Về cơ cấu cho vay, cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 13,9% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 18,9%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 8,93%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,14%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,32%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,36%; cho vay chính sách xã hội chiếm 0,43%.
Về huy động vốn, đến cuối tháng 8/2024, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn Hà Nội ước tính đạt 5.801 nghìn tỷ đồng, tăng 1,27% so với cuối tháng trước và tăng 8,73% so với thời điểm kết thúc năm 2023.
Tính đến cuối tháng 8/2024, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD trên địa bàn Thủ đô chiếm 1,69% trong tổng dư nợ. Các TCTD chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt. Tình hình thanh khoản của các TCTD trên địa bàn đảm bảo.
Trong khi đó theo số liệu của Cục Thống kê TPHCM, tính đến cuối tháng 8/2024, dư nợ tín dụng tại TPHCM ước tăng 4,5% so với cuối năm 2023 và tăng 11,4% so với cùng kỳ. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung của cả nước ở mức 6,63% (thống kê đến 26/8). Tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TPHCM có xu hướng chậm lại trong thời gian gần đây: tháng 6 tăng 4%, tháng 7 tăng 3,9% và đến tháng 8-2024 bật tăng lên 4,5% so với cuối năm 2023.
Cục Thống kê TPHCM nhận định, khả năng hấp thụ vốn vẫn chưa cải thiện nhiều. Mục tiêu tín dụng tăng trưởng cả năm là 15% sẽ gặp nhiều thách thức nếu không có giải pháp tháo gỡ.