Doanh nghiệp xả 100m3 chất thải trái phép ra môi trường mỗi ngày bị xử phạt như thế nào?
Doanh nghiệp xả 100m3 chất thải trái phép ra môi trường mỗi ngày bị xử phạt bao nhiêu tiền? Có phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nào hay không?
1. Doanh nghiệp xả 100m3 chất thải trái phép ra môi trường mỗi ngày bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ điểm h khoản 6 Điều 18 Nghị định 45/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp xả trái phép từ 100m3/ngày đến dưới 200 m3/ngày ra môi trường thuộc hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên sẽ bị phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 160 triệu đồng.
Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả tại điểm a khoản 8 và khoản 9 Điều 18 Nghị định 45/2022/NĐ-CP như sau:
- Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm khi nghiệp xả 100m3 chất thải trái phép ra môi trường.
+ Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành.
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
Mức xử phạt đối với doanh nghiệp xả 100 m3 chất thải trái phép ra môi trường mỗi ngày
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
2. Hệ thống xử lý nước thải cần đảm bảo những yêu cầu nào?
Căn cứ Điều 87 Luật Bảo vệ môi trường 2020, hệ thống xử lý nước thải phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
(i) Công nghệ phù hợp với loại hình, đặc tính nước thải cần xử lý.
(ii) Công suất hệ thống xử lý nước phải phù hợp với lượng nước thải phát sinh tối đa.
(iii) Xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
(iv) Vận hành công trình xử lý nước thải theo đúng quy trình kỹ thuật.
(v) Có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với hệ thống xử lý nước thải; điểm xả thải phải có tọa độ, biển báo, ký hiệu rõ ràng, thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát xả thải.
Bên cạnh đó, bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải phải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn; bùn thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.
3. Quản lý nước thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được quy định như thế nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 86 Luật Bảo vệ môi trường 2020, việc quản lý nước thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được quy định như sau:
(i) Nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp được thu gom và xử lý sơ bộ trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải công nghiệp theo yêu cầu của chủ đầu tư xây dựng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp bảo đảm nước thải phải được xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
(ii) Nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm ngoài khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp không kết nối được vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải phải được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận.