Thông báo cho học sinh Hà Nội nghỉ học tránh bão Yagi (bão số 03) từ ngày 07/9/2024

06/09/2024 14:43

Sau đây là nội dung thông báo cho học sinh Hà Nội nghỉ học tránh bão Yagi (bão số 03) từ ngày 07/9/2024.

Thông báo cho học sinh Hà Nội nghỉ học tránh bão Yagi (bão số 03) từ ngày 07/9/2024

Thông báo cho học sinh Hà Nội nghỉ học tránh bão Yagi (bão số 03) từ ngày 07/9/2024 (Hình từ Internet)

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội ban hành Công văn 3061/SGDĐT-CTTT-KHCN ngày 06/9/2024 về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 (Yagi) trên địa bàn Thành phố.

Công văn 3061/SGDĐT-CTTT-KHCN

Thông báo cho học sinh Hà Nội nghỉ học tránh bão Yagi (bão số 03) từ ngày 07/9/2024

Thực hiện Công điện 1170/CĐ-BGDĐT ngày 04/9/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Kết luận cuộc họp ngày 06/9/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn Thành phố; Công điện ngày 06/9/2024 của UBND Thành phố về việc chủ động ứng phó cơn bão số 3;

Tiếp theo Công văn 3057/SGDĐT-CTTT-KHCN ngày 05/9/2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về chủ động ứng phó cơn bão số 3; Để chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó kịp thời với cơn bão số 3, đảm bảo an toàn cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã; Giám đốc các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Hiệu trưởng các trường trực thuộc Sở tập trung triển khai thực hiện các nội dung sau:

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 3; tổ chức ứng trực 24/24 giờ, triển khai phương án phòng, chống bão, mưa lớn, ngập lụt và thông tin kịp thời, đầy đủ đến giáo viên, phụ huynh và học sinh để chủ động các biện pháp phòng tránh. Giữ liên hệ thường xuyên với các cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ địa phương để kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra; đồng thời khẩn trương khắc phục thiệt hại, dọn dẹp, vệ sinh trường, lớp ngay sau bão tan, bảo đảm an toàn, phòng tránh dịch bệnh trong trường học.

- Học sinh toàn Thành phố nghỉ học (bao gồm học chính khóa và các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa) từ ngày 07/9/2024 (thứ Bảy) đến khi bão tan để phòng tránh cơn bão số 3 và bảo đảm an toàn cho học sinh.

- Các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, phương án báo cáo các đơn vị có thẩm quyền, bảo đảm an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và công trình trường học. Di dời tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế, hồ sơ, tài liệu, sách vở... đến nơi không có nguy cơ ngập úng để tránh hư hại, hỏng hóc, mất mát; hạn chế tối đa thiệt hại do bão, nhất là tại các cơ sở giáo dục có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, sạt lở đất. Tăng cường phối hợp với gia đình học sinh đề quản lý học sinh trong thời gian học sinh nghỉ học.

Đề nghị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; Hiệu trưởng các trường trực thuộc Sở chỉ đạo đơn vị nghiêm túc thực hiện các nội dung nêu trên.

Xem thêm Công văn 3061/SGDĐT-CTTT-KHCN ban hành ngày 06/9/2024.

Thủ tướng yêu cầu triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống bão Yagi

Theo Công điện 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024, Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu tại Công điện 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024 đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công từng đồng chí trong Thường vụ, thường trực Ủy ban trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ, trong đó tập trung:

- Rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển, đảo; bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển (đặc biệt là tàu thuyền ở khu vực Vịnh Bắc Bộ và ven biển từ Hà Tĩnh trở ra) và tại nơi tránh trú.

- Bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, tàu thuyền tại nơi tránh trú, khu vực có nguy cơ ngập sâu do sóng lớn, nước dâng, mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không bảo đảm an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).

- Chỉ đạo đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.

- Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi bão, lũ.

- Xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ; xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp, phương tiện, tàu thuyền, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão.

- Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản.