Ấn định ngày xét xử vụ mua trái phiếu của Trương Mỹ Lan
Vụ án sẽ được đưa ra xét xử trong 1 tháng với số lượng đương sự tham gia rất lớn.
Chiều 6-9, TAND TP HCM thông báo sẽ đưa ra xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới do Trương Mỹ Lan cùng 33 bị can khác thực hiện trong 1 tháng.
Phiên toà sẽ diễn ra từ 8 giờ ngày 19-9-2024 và dự kiến kéo dài đến 19-10-2024.
Vụ án sẽ được xét xử công khai tại trụ sở TAND TP HCM. Chủ toạ phiên toà là Thẩm phán Nguyễn Thị Hà.
Quyết định đưa vụ án ra xét xử xác định có 35.824 bị hại, cùng 534 cá nhân và tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng cáo buộc bị can Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm đã có hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới đối với số tiền hơn 4,5 tỉ USD, tương đương hơn 106 ngàn tỉ đồng.
Theo cáo trạng, lời khai của bị can Trương Mỹ Lan thể hiện khi cần chuyển tiền ra nước ngoài để trả nợ hoặc nhận tiền vay từ nước ngoài chuyển về Việt Nam, nữ chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã giao cho Trịnh Quang Công, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Acumen, phối hợp cùng với Nguyễn Phương Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty SPG, Chiu Bing Keung Kenneth (luật sư, được bị can Lan giao quản lý các công ty nước ngoài) lập các hợp đồng "khống" mua bán cổ phần, vốn góp, tư vấn, vay nợ giữa các công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài (đều là các công ty ma thuộc quản lý, điều hành của các cá nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Thông qua các hợp đồng "khống" này, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài qua hệ thống Ngân hàng SCB .
Dưới sự chỉ đạo của bị can Trương Mỹ Lan, các bị can thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã phối hợp với các nhân viên Ngân hàng SCB thực hiện việc chuyển tiền, nhận tiền quốc tế.
Đa số hồ sơ (các giấy tờ, thủ tục) chuyển tiền ra nước ngoài không đủ điều kiện như: Thiếu văn bản xác nhận của công ty tại Việt Nam về việc công ty nước ngoài sở hữu cổ phần theo hợp đồng chuyển nhượng; thiếu chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự của người đại diện công ty nước ngoài đứng ra ký hợp đồng chuyển nhượng...
Hoặc các giao dịch nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam còn thiếu trường thông tin về chuyển tiền bị hệ thống tự động khóa...
Tuy nhiên, các đối tượng có thẩm quyền tại Ngân hàng SCB như Võ Tấn Hoàng Văn, cựu tổng giám đốc Ngân hàng SCB; Chen Yi Chung, cựu quyền tổng giám đốc SCB; Trương Khánh Hoàng, cựu phó tổng giám đốc SCB; Bùi Anh Dũng, cựu chủ tịch HĐQT SCB, vẫn duyệt cho chuyển tiền trên hệ thống để hoàn tất việc chuyển tiền quốc tế.
Kết quả điều tra xác định từ năm 2012 đến năm 2022, bằng các phương thức thủ đoạn nêu trên, các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã sử dụng 23 công ty.
Trong đó, có 12 công ty thành lập, đăng ký tại Việt Nam và 11 công ty, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam để thực hiện việc chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam.
Có 21 công ty trong số 23 công ty nêu trên đã thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định pháp luật với tổng số tiền hơn 1,5 tỉ USD và 21 công ty thực hiện 152 giao dịch nhận tiền từ nước ngoài chuyển về trái quy định pháp luật, với tổng số tiền hơn 3 tỉ USD.
Việc chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài, từ nước ngoài về Việt Nam do bị can Trương Mỹ Lan chỉ đạo cấp dưới phối hợp với Chiu Bing Keung Kenneth lập các hợp đồng "khống" về mua bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, vay tiền, tư vấn giữa các công ty ở Việt Nam với các công ty/tổ chức ở nước ngoài và sử dụng các công ty để lên phương án chạy dòng tiền, chuyển tiền qua lại với các đối tác nước ngoài thông qua các hợp đồng "khống"; về hồ sơ, thủ tục còn thiếu, không đảm bảo quy định song Chen Yi Chung, Võ Tấn Hoàng Văn Và Bùi Anh Dũng vẫn ký lệnh chuyện tiền ra nước ngoài.