Bão số 3 và mưa lũ khiến 23 người chết, 3 người mất tích
Tính đến 18h ngày 8/9, bão số 3 và mưa lũ khiến 21 người chết, 3 người mất tích, 229 người bị thương.
Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 18h ngày 8/9, bão số 3 và mưa lũ khiến 21 người chết, 3 người mất tích, 229 người bị thương.
Khiến 8.017 nhà ở bị hư hỏng, 25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu. Khiến 5 đoạn đường dây 500KV, 31 đường dây 220KV, 97 đường dây 110kV bị sự cố.Tại tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng…
Mưa bão khiến 109.382 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại. 17.921 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 6.902 ha cây ăn quả bị hư hại; Trên 1.100 lồng bè bị hư hỏng, cuốn trôi.
Bộ Y tế xử lý môi trường, đảm bảo vệ sinh sau bão
Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, trong bão các cơ sở y tế đã trực cấp cứu 24/24h, sẵn sàng khi có tình huống; thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ". Đồng thời thành lập các đội cấp cứu cơ động, đảm bảo thực phẩm, nước sạch cho người bệnh.
Theo Bộ Y tế, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, tính đến tối 7-9 đã tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân bị thương do bão, trong đó có 6 ca nặng đang được điều trị tích cực. Các bệnh nhân đa phần đều gặp chấn thương do mảnh kính, mảnh tôn.
Các cơ sở y tế cũng gặp một số thiệt hại về cơ sở vật chất. Tại Hải Phòng, qua đường dây nóng, Sở Y tế Hải Phòng báo cáo trước mắt, một số cơ sở y tế có thiệt hại như bay mái, bay biển hiệu, biển chỉ dẫn, một số trạm y tế bị đổ tường bao.
Các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh bảo đảm công tác cấp cứu, khám chữa bệnh, điều trị. Các thiết bị được di chuyển đề phòng ngập lụt sau bão.
Tiếp tục công tác y tế sau bão, Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục xử lý các trường hợp bị tai nạn do bão lụt; tiến hành công tác xử lý môi trường (khử khuẩn môi trường, xử lý rác thải, xác động vật chết…). Đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân.
Đồng thời, các đơn vị hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý chất thải y tế, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút. Lên các phương án phòng chống dịch sau mưa lũ, lưu ý các dịch bệnh sởi, đau mắt đỏ, nước ăn chân, tiêu chảy...
Tập trung phân loại người bị nạn để ưu tiên trong công tác cấp cứu đối với tình huống khẩn cấp, phân luồng người bệnh nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, đường tiêu hóa để tránh lây nhiễm dịch bệnh trong bệnh viện.
Tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống, sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ clo dư theo quy định; tăng cường kiểm tra vệ sinh chất lượng nước hộ gia đình.
Bộ cũng yêu cầu các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế (Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, Y học biển) tiếp tục thành lập các đội cơ động cấp cứu; chuẩn bị sẵn sàng thuốc, phương tiện, vật tư, nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ khi có tình huống.